Phân làn giao thông lần này bài bản hơn, truyền thông trước và làm từng đoạn thử nghiệm, dải phân cách mềm ngăn làn linh hoạt hơn những lần trước đó. Cũng cần ghi nhận sự ra quân đồng bộ, phương án ứng trực chu đáo của đơn vị triển khai.
|
Sau hơn 10 ngày được dựng dải phân cách để tách ô tô, xe máy đi làn riêng, giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi vẫn lộn xộn trong giờ cao điểm. Ảnh: Tạ Hải |
Sau vài tuần triển khai, xin có vài góp ý gửi các cơ quan chức năng với mong muốn Hà Nội sớm có được lời giải xử lý những vướng mắc với giao thông đô thị.
Lần thử nghiệm này có nhiều cái được. Được nhất là việc phân làn là cần thiết và đã được triển khai.
Thứ hai, việc phân làn cho xe buýt đi sát hè bên phải là tối ưu. (Nếu có số liệu lượng người đi xe máy và ô tô chuẩn xác có thể để riêng làn ưu tiên cho buýt/taxi và xe cứu thương, cứu hỏa, một làn riêng xe máy/2 làn ô tô và hạn chế ô tô rẽ ngang/quay đầu … nhằm hoàn thiện dần các làn xe); Cái được thứ ba là từng bước hình thành thói quen đi đúng làn đường của người tham gia giao thông.
Bên cạnh những cái được cũng lộ rõ những thứ còn hạn chế. Thứ nhất là thiếu công cụ điều tiết từ xa (bằng vạch sơn/biển báo) và cảnh báo khi hết đoạn phân làn. Không có công cụ chế tài phù hợp để xử lý các trường hợp đi lẫn làn.
Cái chưa được thứ hai là thiếu dữ liệu giám sát đánh giá, chưa ứng dụng công nghệ vào việc đếm xe, phân tích lưu lượng, đặc tính của các loại phương tiện. Do đó, các biện pháp điều chỉnh sẽ cảm tính/ không khoa học/ không thuyết phục.
Cái chưa được thứ ba là mới chỉ tập trung vào lòng đường phân làn mà không đồng bộ thiết kế đô thị (vỉa hè/lối rẽ vào ngõ/rẽ cắt ngang /đỗ xe chờ đèn xanh đỏ /làn đi lẫn buýt và xe máy/kết nối đa phương tiện với các khu dân cư /đi bộ, xe đạp an toàn) nên chưa mang lại chuyển biến rõ rệt…
Hà Nội sẽ còn loay hoay với cách thức tổ chức giao thông nếu không khắc phục được những điểm yếu như là thiếu phối hợp đa ngành và chú trọng ứng dụng thiết bị công nghệ số.
Nói cụ thể vào việc phân làn, để việc làm đúng đắn này có hiệu quả thì cần giải pháp bổ sung những thứ còn khuyết thiếu.
Đó là cần ứng dụng tối đa các công cụ, thiết bị, nguồn lực công nghệ thông tin vào vận hành, giám sát, đánh giá. Cần mở rộng hợp tác đa ngành để tổ chức tổng thể giao thông đô thị với các hoạt động đô thị liên quan. Nếu còn mặt nào vượt quá khả năng của ngành thì báo cáo cấp trên và kêu gọi hỗ trợ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia.
Tổ chức giao thông đô thị chỉ là một phần trong tổng thể hoạt động đô thị. Nó không chỉ đơn giản là phân làn xe trên mặt đất mà còn tổ hợp các tình huống liên quan đường gom, lối rẽ cũng như tương tác các hoạt động dân cư của đầu cuối tuyến và các khu dân cư hai bên đường, các phương tiện mặt đất, trên cao trong một đô thị đa tầng bậc …
Hy vọng sau khi tổng kết đánh giá đợt thử nghiệm, ngành GTVT lắng nghe đóng góp của dư luận xã hội, của các chuyên gia và tiếp tục có những giải pháp khắc phục các hạn chế hiện tại.
Theo KTS. Trần Huy Ánh/Báo giao thông