Chủ trương trên để thực hiện Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó dự kiến hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng, Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.
Đồng thời, hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tỉnh Hải Dương (gọi tắt là: cán bộ của Hải Dương) có nơi ở để ổn định công tác tại Trung tâm chính trị - hành chính của thành phố.
 |
Ảnh minh họa |
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đề nghị Công ty Cổ phần Thái - Holding bố trí 1 Block (khoảng hơn 400 căn hộ) trong Dự án Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên (số 142 Lê Lai) phường Máy Chai và phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền để cho cán bộ của Hải Dương thuê với thời gian từ 2-3 năm. Sau thời hạn trên, chủ đầu tư tiếp tục bán nhà ở xã hội theo quy định.
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cũng đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn bất động sản CRV sớm khởi công các tòa nhà chung cư kết hợp thương mại dịch vụ (cao 33 tầng) trên các lô đất từ HH1 đến HH4 tại khu vực đường Đỗ Mười kéo dài vào dịp 13/5/2025 và hoàn thành vào dịp 13/5/2027, khi mở bán, ưu tiên cho cán bộ của Hải Dương.
Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng được giao hướng dẫn, đôn đốc Công ty Cổ phần Thái - Holding và Công ty Cổ phần Tập đoàn bất động sản CRV thực hiện các nội dung trên. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương tổng hợp nhu cầu, trao đổi với các nhà đầu tư và báo cáo UBND thành phố.
Trước đó, tại hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 19 diễn ra chiều 9/4, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cũng yêu cầu Đảng ủy UBND thành phố chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc (trụ sở, nhà ở, chế độ chính sách…) cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Phối hợp với Hải Dương để xây dựng và hoàn thiện văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố. Tổng hợp, thống kê các cơ chế đặc thù áp dụng cho các ngành, lĩnh vực đã được HĐND mỗi tỉnh thông qua để chủ động đề xuất phương án xử lý sau khi sáp nhập, phù hợp với hướng dẫn của Trung ương, với tinh thần là chính sách nào ưu việt hơn, có lợi cho người dân và doanh nghiệp hơn thì tiếp tục duy trì để người dân 2 địa phương được thụ hưởng kết quả từ việc sáp nhập.
Theo Nghị quyết số 60 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng.
Ngày 14/4, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, nêu rõ, sáp nhập tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng thành 1 thành phố trực thuộc trung ương có tên gọi là thành phố Hải Phòng, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng hiện nay (giảm 1 tỉnh) có diện tích tự nhiên 3.194,7 km2 và quy mô dân số 4.102.700 người.
Hải Ninh