Thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Google News

Với đa số đại biểu tán thành, chiều 27/7 Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”.

Theo nghị quyết, ông Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội sẽ làm Trưởng đoàn giám sát này.
Nghị quyết nêu rõ phạm vi giám sát: việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan trên phạm vi cả nước.
Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Nội dung giám sát là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Thanh lap Doan giam sat cua Quoc hoi ve thuc hanh tiet kiem, chong lang phi
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết. 
Sau đó Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và phân công ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn.
Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 có hiệu thực thi hành trên phạm vi cả nước.
Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nội dung giám sát của chuyên đề được Quốc hội quyết định là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Cả hai nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày Quốc hội thông qua.
Báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết có ý kiến đai biểu đề nghị bổ sung nội dung theo dõi việc thực hiện các kiến nghị giám sát cùng các chế tài kèm theo làm căn cứ cho việc xử lý các tổ chức, cá nhân không hoặc chậm thực hiện các kiến nghị giám sát; công khai kết luận sau khi kết thúc giám sát tại từng cơ quan, đơn vị để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa các vi phạm tương tự có thể xảy ra tại đơn vị khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, sau khi xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát, trong đó yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật; cần thiết sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý để bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu của Quốc hội.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề; qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát, kịp thời xử lý những tồn tại, vướng mắc và có những điều chỉnh phù hợp trong chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Công bố danh sách người trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp


Hiểu Lam