"Xóa đói giảm nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau"

Google News

Sáng 27/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ tập trung đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khuyến khích các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương và các khoản huy động hợp pháp khác.
Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025, giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
  Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.
Bên cạnh đó, hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án tăng ít nhất 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500.000 hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo.
Tỉ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp...
Chương trình gồm 6 dự án và 11 tiểu dự án với tổng nguồn vốn thực hiện là 75.000 tỷ đồng, trong đó có vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động hợp pháp khác.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) và đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cho rằng giảm nghèo bền vững là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, công tác giảm nghèo của nước ta thời gian quan đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo còn nhiều tồn tại như: Tốc độ giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; các hộ đã thoát nghèo nhưng ở những vùng thiên tai diễn ra thường xuyên thì tỉ lệ tái nghèo là rất cao…
Từ đó, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với chủ trương đầu tư cho chương trình giảm nghèo nhưng đề nghị cần có các quy định cụ thể về đối tượng và nguyên tắc hỗ trợ, có các giải pháp hiệu quả để tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra để các nguồn vốn đầu tư cho chương trình thực sự hiệu quả, minh bạch, đúng pháp luật. 
Sau khi Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được những thành tựu nổi bật: Chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện, ngân sách nhà nước huy động nguồn lực xã hội ngày càng tăng, ý chí vươn lên của người dân được nâng lên, các tấm gương thoát nghèo và các điển hình ngày càng nhiều. Chúng ta đã trải qua việc điều chỉnh tiêu chí về lương thực nhằm bảo đảm “có ăn, có mặc” của quốc gia nghèo đến áp dụng giá cả, thu nhập mức sống tối thiểu, rồi giai đoạn hiện nay đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều và là nước đầu tiên trong khu vực châu Á áp dụng phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo Bộ trưởng, chúng ta đã đi từ chỗ ngân sách nhà nước phải bảo đảm hoàn toàn sang Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt, người dân giữ vai trò chủ thể. Đây là bước đi rất dài về tư duy nhận thức, về hành động để chống đói nghèo. Chúng ta cũng sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết sẽ đặt ra mục tiêu cao hơn là giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững, giảm bình quân 1-1,5% trong năm, trong khi đó chuẩn nghèo của chúng ta nâng lên, dẫn đến tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo đầu kỳ sẽ tăng rất cao. Tiêu chí về thu nhập và thiếu hụt tăng cả về số lượng và chất lượng, nhiều nội dung thiếu hụt đòi hỏi phải có nguồn lực lớn như tái định cư, xoá nhà tạm, chống suy dinh dưỡng trẻ em, hạn chế trẻ em thể trạng thấp còi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, giai đoạn 2021-2025, cần đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần, gắn với mục tiêu phát triển bao trùm bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. “Giai đoạn này, chúng ta phải vừa giảm tỉ lệ nhưng đồng thời phải quan tâm giảm nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt” - Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chương trình quốc gia về giảm nghèo có đối tượng và địa bàn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, trong đó bao gồm cả đối tượng nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau, kể cả bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo các chương trình đề xuất ban hành tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lặp giữa 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời sẽ đề xuất các cơ chế lồng ghép, tích hợp các nguồn lực, đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.
“Về việc tách các hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo khỏi chương trình, chúng tôi xin ghi nhận và báo cáo thêm với Quốc hội, theo tiêu chí chính hiện nay, có 400.000 hộ với 1,5 triệu người. Chính phủ sẽ cân nhắc thời điểm, cách tiến hành để vừa đạt mục tiêu vừa bảo đảm khả năng ngân sách cân đối trong thực tế” - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nói.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Công bố danh sách người trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp


Hiểu Lam