Liên quan đến phản ánh của người dân cho rằng tỉnh Thanh Hóa xóa sổ rừng phòng hộ để làm dự án du lịch mà Kiến Thức đã phản ánh trong các bài trước.
Người dân địa phương còn bức xúc với 1 dự án đã tồn tại 10 năm, vướng nhiều khiến kiện, chậm tiến độ nhưng không bị tỉnh Thanh Hóa thu hồi. Thay vào đó, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đức Quyền lại ký 1 quyết định xóa sổ rừng phòng hộ đang tồn tại trên địa bàn Quảng Xương. Và sau đó nhanh chóng ra văn bản giao đất, giao rừng cho Công ty TNHH Soto (đơn vị có dự án 10 năm vẫn chậm tiến độ) để tiếp tục thực hiện dự án.
Thế lực nào đứng sau công ty Soto?
|
Rừng phi lao phòng hộ ven biển Quảng Xương hiện nay. (Ảnh chụp ngày 28/11/2018) |
Được biết, dự án Khu du lịch sinh thái Tiên Trang được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2008 trải dài 2,5km bờ biển 3 xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Thạch (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa).
Dự án bao gồm các phân khu chức năng hiện đại và đồng bộ có quy mô “hoành tráng” được chủ đầu tư là công ty TNHH Soto “vẽ” ra.
Ngày 2/3/2011, Dự án khu Đô thị du lịch ven biển Tiên Trang tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thạch và Quảng Thái, diện tích 448.631m2 đã được phê duyệt tại Quyết định số 616/QĐ-UBND, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền ký.
Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua, dự án vẫn ì ạch và dính quá nhiều lùm xùm, nhất là trong việc đền bù giải phóng mặt bằng. Điều lạ là dự án chậm tiến độ, đắp chiếu nhiều năm nhưng vẫn không bị thu hồi?
|
Quyết định 616. |
Theo điều tra của PV, ngoài một phần đất nông nghiệp, phần lớn diện tích đất thuộc phạm vi dự án phải thu hồi đều có nguồn gốc là đất lâm nghiệp và rừng phi lao phòng hộ ven biển, trước kia là bãi cát, xã giao cho hợp tác xã và các đoàn thể quản lý để trồng rừng, các tổ chức này giao lại cho các hộ dân.
Từ những năm 1980 đến nay, các hộ dân đã sử dụng liên tục diện tích được giao để trồng phi lao và dùng một phần làm nhà ở, một số không nhiều dựng quán bán hàng, kinh doanh ăn uống và hải sản.
Năm 2008, khi bắt đầu triển khai dự án, ông Phạm Đình Hải, Giám đốc Cty TNHH SoTo (chủ đầu tư) đã thương lượng, mua lại đất với giá thỏa thuận, kèm 200m2 đất ở (đối với một số gia đình diện tái định cư).
Tuy nhiên, có nhiều hộ sau khi di chuyển, nhận đất làm nhà nhưng đến nay vẫn không làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Theo phản ánh của người dân, lý do vì đất tái định cư cũng là đất lâm nghiệp, chưa được quy hoạch, chuyển đổi nên không thể làm được giấy tờ hợp pháp hóa?
Các quyết định của tỉnh Thanh Hóa "dọn đường" cho dự án?
Ngày 02/3/2011, bằng Quyết định số 616/QĐ-UBND “về việc thu hồi đất, cho phép chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp và đất rừng sang đất phi nông nghiệp tại xã Quảng Lợi huyện Quảng Xương” do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đức Quyền ký, quyết định này đã giao cho công ty SoTo để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Dự án đô thị du lịch biển Tiên Trang, có nội dung: “Cho phép SoTo chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích chuyển đổi 425.604m2 do SoTo chuyển nhượng từ cá nhân, và 23.027m2 thu hồi từ UBND xã quản lý”.
Theo quyết định này, diện tích đất được chuyển đổi mục đích sử dụng chủ yếu là đất rừng phòng hộ ven biển lên tới trên 20 ha.
|
Quyết định 2926. |
Ngày 31/12/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định 4821/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chính chi tiết xây dựng 1/2000, tăng gần gấp đôi diện tích quy hoạch khu đô thị du lịch biển Tiên trang với tổng diện tích đến gần 101 ha.
Sau Quyết định 1756 ngày 12/5/2018, về việc Phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích xây dựng Đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang, huyện Quảng Xương. Mới đây, ngày 2/8/2018, ông Nguyễn Đức Quyền tiếp tục ký ban hành Quyết định số 2926/QĐ-UBND “về việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án”(đợt 1) cho công ty TNHH SoTo".
Theo đó, SoTo được thuê 356.064,7 m2 đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án đô thị du lịch sinh thái biển Tiên trang.
Có ý kiến cho rằng, Quyết định 2926 cho chuyển đổi mục đích sử dụng bao gồm: “425.604m2 do SOTO chuyển nhượng từ cá nhân, và 23.027m2 thu hồi từ UBND xã, công ty được thuê 356.064,7 m2” (theo Quyết định 616).
Câu hỏi đặt ra: Hơn 42 ha đất trong đó có đất rừng phòng hộ nhận chuyển nhượng này có hợp pháp?
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc Thanh Hóa xóa sổ rừng phòng hộ làm dự án du lịch.
Theo Luật đất đai 2013, về điều kiện thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 58 quy định chuyển mục đích rừng phòng hộ dưới 20 ha do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và diện tích trên 20 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Minh Hải