300 ha rừng phòng hộ bị xóa sổ bởi 1 quyết định
Dẫn PV Kiến Thức đi dọc ven biển huyện Quảng Xương, người dân xót xa chỉ vào rừng phi lao phòng hộ ven biển nói: "Ngày trước rừng phi lao phòng hộ ven biển còn nhiều lắm vì người dân trồng và bảo vệ từ nhiều năm. Nhưng chỉ vì 1 văn bản của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương bị xóa sổ.
Hiện nay rừng phòng hộ vẫn còn mà văn bản của tỉnh nói không còn diện tích rừng phòng hộ thì thật phi lý. Cũng vì văn bản đó mà hiện nay những dải rừng phi lao với mục đích chắn sóng, chống sạt lở, phòng hộ ven biển… đang bị chặt phá không thương tiếc.
|
Thực tế, diện tích rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương vẫn còn rất nhiều nhưng tỉnh lại nói rằng không còn trong văn bản, và hiện nay nó đang bị tàn phá không thương tiếc. |
Năm 2007, quy hoạch diện tích rừng phòng hộ tỉnh Thanh Hóa là 191.943,98 ha,. Trong đó, diện tích đã có rừng 151.474,47 ha, diện tích chưa có rừng 40.469,51 ha.
Riêng diện tích rừng phòng hộ được quy hoạch tại huyện Quảng Xương là 467,70 ha. Trong đó, diện tích hiện tại đã có rừng là 268,70 ha, diện tích chưa có rừng là 199 ha (số liệu theo Quyết định số 2755/2007/QĐ-UBND về việc Phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2006-2015 chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi ký ngày 12/9/2007).
|
Diện tích rừng phòng hộ ở Quảng Xương giai đoạn 2006 - 2015 theo Quyết định 2755 là 467,70 ha. |
Đến năm 2017, theo Quyết định số 3230/ QĐ-UBND (phê duyệt Quy hoạch 3 loại rừng ở tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 -2025) do Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đức Quyền ký ngày 29/8/2017, thì gần 300 ha rừng phòng hộ đang tồn tại trên địa bàn huyện Quảng Xương bỗng dưng biến mất một cách khó hiểu? Đồng thời, quy hoạch rừng phòng hộ ven biển ở Quảng Xương chỉ còn hơn 1/10 so với trước.
Cụ thể, theo Quyết định 3230, quy hoạch rừng phòng hộ của huyện Quảng Xương chỉ còn có 64,28 ha. Trong 64,28 ha đó, không có bất cứ diện tích rừng nào còn tồn tại, tất cả đều phải trồng mới.
Người dân đặt ra câu hỏi: Diện tích đã có rừng là 268,70 ha trong tổng số 467,70 ha rừng phòng hộ Quảng Xương từ trước đến nay đã đi đâu? Tại sao lại bị xóa sổ?
Họ cho rằng, có 2 giả thuyết trả lời cho câu hỏi này: Một là, huyện Quảng Xương quản lý quá yếu kém nên toàn bộ rừng phòng hộ đã bị "lâm tặc" đốn hạ hết. Hai là, tỉnh Thanh Hóa đã "xóa sổ" trên văn bản toàn bộ rừng phòng hộ tại Quảng Xương.
Người dân cho biết, giả thuyết thứ 2 thuyết phục hơn bởi, thực tế rừng phòng hộ hiện nay tại Quảng Xương còn rất nhiều. Không thể nói là "không còn tồn tại, phải trồng mới" như Quyết định 3230.
|
Theo Quyết định 3230, huyện Quảng Xương không có rừng phòng hộ. |
Để trả lời cho câu hỏi này, PV Kiến Thức đã đi thực tế ở những xã ven biển thuộc huyện Quảng Xương như: Quảng Thái, xã Quảng Lợi… Rừng phòng hộ ven biển vẫn còn tồn tại rất nhiều. Đập vào mắt chúng tôi là những vạt phi lao ngút ngàn tầm mắt, vững chãi vươn lên giữa những dải cát trắng, tuổi đời hàng chục năm.
Điều đau lòng là những dải rừng phi lao với mục đích chắn sóng, chống sạt lở, và nhiều tác dụng khác… đang ngày ngày chết dần chết mòn vì bị chặt phá “hợp pháp” không thương tiếc bởi quyết định 3230. Từ khi ban hành quyết định 3230 (từ 2017) đến nay, diện tích rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương đang sụt giảm thê thảm.
"Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đức Quyền ký quyết định 3230, đã mặc nhiên cho phép 'lâm tặc' tự do khai thác rừng phòng hộ một cách hợp pháp. Bởi trong quyết định nêu rõ huyện Quảng Xương không còn rừng phòng hộ", - một người dân xã Quảng Lợi bức xúc.
Trong khi Quốc Hội, Nhà nước, Chính Phủ, ban hành nhiều văn bản từ luật Đất đai, luật bảo vệ phát triển rừng; Riêng rừng phòng hộ ven biển có luật Biển điều chỉnh. Ngoài ra Bộ NNPTNT có nhiều thông tư liên quan đến quản lý phát triển rừng nhằm mục đích bảo vệ và phát triển rừng thì tỉnh Thanh Hóa lại ngang nhiên xóa bỏ hàng trăm ha rừng phòng hộ đang tồn tại. Tại sao lại có câu chuyện kỳ lạ như vậy?
|
Những cánh rừng phòng hộ đang dần biến mất ở Quảng Xương |
Xóa sổ rừng để làm du lịch?
Xót xa chứng kiến rừng phòng hộ bị "tàn sát" từng ngày, anh Lê Văn Thịnh (thôn Thạch Bắc, Quảng Thạch, Quảng Xương) ngán ngẩm: "Biển Quảng Thạch dài 1km. Người dân chúng tôi đang mưu sinh nhờ rừng, nhờ biển, cuộc sống đang bình thường, chưa có 1 quy hoạch chi tiết gì cả, thì lại nghe thấy đang có dấu hiệu thu hồi hơn 8.000 mét vuông rừng phòng hộ để làm du lịch."?
Anh Lê Văn Thắng, thôn Tiên Thắng, xã Quảng Lợi, Quảng Xương chua xót: "Rừng trồng mấy chục năm mới được như ngày nay vậy mà tỉnh xóa sổ nó chỉ bằng một quyết định. Ở đây đã có một công ty về làm dự án du lịch tại biển Quảng Lợi 10 năm rồi, đền bù cho dân rừng phòng hộ với giá chỉ 5 triệu đồng/ sào.
Mua được đến đâu, họ chặt rừng đến đó. Một phần họ chặt ngọn, còn gần như chặt đến gốc, họ làm đường rồi vẽ ra những lô đất đem bán.
Rừng phòng hộ ở Quảng Lợi biến mất rất nhanh, ngày xưa từ con đường 4C (chạy dọc theo bờ biển Thanh Hóa, qua địa phận Quảng Xương), nhìn ra biển không thấy bất cứ một cái gì vì rừng phòng hộ che kín, rừng rất rậm. Giờ thì có thể nhìn thẳng ra ngoài biển luôn.
Chúng tôi đau xót trước thực trạng phá rừng phòng hộ Quảng Xương, đã bao nhiêu năm nay yêu cầu nhưng chưa hề nhận được bất cứ một quyết định thu hồi đất nào."
Anh Thắng cho biết thêm, chuyện đất cát ở đây ven biển cực kỳ hỗn loạn, thậm chí vẫn có người đang còn xây nhà trên đất rừng phòng hộ.
Còn ông Lê Xuân Tư (thôn Tiên Thắng, Quảng Lợi) đau xót khi những mảnh rừng dần biến mất từng ngày. Cùng với những chuyện bất cập về đất cát trên đia phương, ông Tư đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại, tố cáo, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có kết quả.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.
Minh Hải