Trong quá trình thực hiện loạt bài Thanh Hóa xóa rừng phòng hộ làm du lịch, ngoài việc tỉnh Thanh Hóa xóa sổ rừng phòng hộ bằng văn bản (thực tế rừng vẫn đang còn rất nhiều) thì tại huyện Quảng Xương, PV ghi nhận khá nhiều câu chuyện đang nhức nhối cần có câu trả lời.
Dân mất đất kêu trời
Theo phản ánh của người dân, Cty SoTo đã ngang nhiên chiếm đoạt nhiều diện tích đất lúa làm bãi tập kết cát, sau đó đưa máy ủi, máy múc vào tiến hành san lấp.
Ông Lê Xuân Từ, xã Quảng Lợi cho biết: Gia đình có thửa đất số 08, diện tích là 500m² (Giấy chứng nhận số 03572/QSDĐ/2185/QĐ-UB, ngày 30/9/2004 của UBND huyện Quảng Xương). Năm 2007 gia đình ông chuyển nhượng cho ông Phạm Đình Hải - giám đốc công ty SoTo với giá 8 triệu đồng, mục đích sử dụng làm đất lúa, thời gian chuyển nhượng đến tháng 6/2013, nhưng cho đến nay, mặc dù thời gian chuyển nhượng đã qua từ lâu, ông Hải vẫn không trả đất cho gia đình ông.
“Sau khi hết hạn hợp đồng, ông Hải không trả đất cho tôi, thay vào đó ông Hải đã sử dụng vào việc tập kết cát phục vụ cho DA du lịch, nhiều lần gia đình tôi đã làm đơn gửi lên UBND xã Quảng Lợi để giải quyết nhưng xã đã không giải quyết dứt điểm, thay vào đó là đề nghị hai bên tự thỏa thuận. Nhưng cho đến nay, đất đã bị ông Hải lấy, xã và huyện cũng không giải quyết, gia đình tôi rất lo lắng và hoang mang. Hiện nay có khoảng 05 gia đình bị chiếm đất như thế này.” Ông Từ chán nản.
Chung cảnh đất ruộng đang làm tự dưng mất là hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Nhất, thôn Lộc Tại, xã Quảng Lợi; gia đình ông cũng có 500m², đã một năm nay gia đình không còn ruộng để trồng lúa vì hiện tại diện tích đất đó nay là bãi tập kết cát cho DA khu Đô thị du lịch biển Tiên Trang.
Ông Nhất cho hay: Gia đình tôi chưa biết một thông tin gì, xã và phía Cty SoTo chưa có một buổi làm việc, thông tin chi tiết với gia đình tôi đã tiến hành tập kết cát lên đó. Ruộng mất, đã một năm nay không có việc làm, người dân chúng tôi không còn biết kêu vào ai nữa.”
|
Dân kêu trời vì công ty SoTo lấy lý do làm đường đã đốn hạ rừng phòng hộ ven biển, "tiện thể" múc cát đem bán? |
Nhiều người dân cũng tố cáo việc công ty SoTo lấy lý do làm đường, đã “tranh thủ” chặt hạ phi lao ven biển, đào bới múc đất cát đem bán?
Gia đình ông Lê Văn Thịnh ở thôn Thạch Bắc,xã Quảng Thạch thì ngửa mặt kêu trời vì một lý do khác. Theo phản ánh của ông Thịnh, kể từ khi Quyết định 616/QĐ-UBND ngày 02/3/2011, “về việc thu hồi đất, cho phép chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp và đất rừng sang đất phi nông nghiệp tại xã Quảng Lợi huyện Quảng Xương”, cột mốc giới phân định diện tích dự án không liên quan gi đến thửa đất ven biển kèm rừng phòng hộ phi lao mà gia đình ông đang quản lý.
“Thế nhưng, cán bộ huyện và cả công ty SoTo rất nhiều lần gây sức ép và tìm đủ mọi cách để lấy cho bằng được mảnh đất này ”, ông Thịnh cay đắng.
|
Ông Thịnh bên cột mốc theo Quyết định 616 |
Đến ngày 6/4/2018, UBND huyện Quảng Xương ra hẳn cùng một lúc 2 Quyết định là 631/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Đô thị du lịch biển Tiên Trang, do phó chủ tịch huyện Nguyễn Đình Dự ký, và Quyết đinh 632/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng do chủ tịch huyện Trần Văn Công ký.
Điều kỳ lạ là gia đình ông Thịnh chỉ nhận được Quyết định photo, bản chính có đóng dấu đỏ xác nhận, cho đến giờ chưa ai được nhìn thấy?
|
Quyết định 631/QĐ-UBND |
“Vị trí đất mà gia đình tôi đang quản lý là đất rừng phòng hộ ven biển, lại không thuộc phạm vi thu hồi đất của dự án công ty SoTo,cớ sao lại thu hồi bằng được? mục đích của các vị ấy là gì?”, ông Thịnh gần như khóc khi trình bày với PV.
Chưa hết, trước đó gia đình ông Thịnh có thực hiện việc chuyển nhượng sử dụng một mảnh đất ở vị trị khác cho một gia đình trong xã, thủ tục đầy đủ, hoàn toàn đúng pháp luật, nhưng đã bị UBND huyện Quảng Xương “treo” một thời gian khá dài không cho phép thực hiện. Mà theo ông Thịnh tố cáo thì có mục đích gây sức ép buộc ông phải chấp nhận để huyện thu hồi khu đất rừng phòng hộ ven biển mà huyện đang cố tình thu hồi trái luật theo Quyết định 631,632.
Hết cách, ông Thịnh đành vác đơn đi kiện, rồi có mặt ở bất cứ cuộc họp nào của huyện về vấn đề đất đai chỉ để phản ánh sự việc và kêu cứu. Cho đến lần gần nhất trong tháng 11/2018, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu có buổi tiếp xúc làm việc với cử tri huyện Quảng Xương, ông Thịnh cũng tìm mọi cách tiếp cận bằng được để kêu oan, nhưng đã bị ngăn cản không cho phép phát biểu.
Cho đến giờ, mọi việc vẫn hoàn toàn im lặng.
Chính quyền ở đâu trong những sự việc này?
Một câu hỏi được đặt ra, những sự việc nhức nhối đang diễn ra trên địa bàn liên quan đến rừng phòng hộ, đất cát, chính quyền huyện Quảng Xương đã ở đâu?
|
Một trong số những mảnh đất rừng phòng hộ mua đi bán lại được chủ sở hữu mới xây rào quây kín |
Trong nhiều lần tìm đến UBND huyện Quảng Xương, chỉ một lần duy nhất PV Kiến Thức và các nhà báo khác trong đoàn gặp được chủ tịch huyện Trần Văn Công, khi nhìn thấy cửa phòng làm việc đang còn mở. Tuy nhiên, sau khi nghe trình bày một số nội dung cần làm rõ, ông Công cáo bận với lý do đi họp.
Sau đó, PV tìm đến chánh văn phòng UBND huyện đặt lịch làm việc,cũng không thấy có mặt ở phòng. Những lần khác, PV Kiến Thức mỗi lần đến đều trong tình trạng đóng cửa then cài.
Tìm qua phòng Tài nguyên môi trường của UBND huyện, chúng tôi thấy đóng cửa, dù trong phòng máy tính đang bật sáng.
Bí thư huyện ủy Quảng Xương Nguyễn Văn Chính cho biết, những sự việc đó đã được đưa ra trong mấy cuộc họp giao ban Đảng ủy, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy UBND huyện xử lý.
Tiếp tục qua công ty SoTo (chủ đầu tư dự án Tiên Trang) mong tìm hiểu thêm một số tư liệu, thì PV nhận được thái độ không hợp tác của ông giám đốc Phạm Đình Hải. Thậm chí, ông Hải còn bảo PV nộp tiền để photo 50kg tài liệu? Trong khi, những văn bản cụ thể mà PV đề cập thì không được cung cấp.
Chúng tôi gọi điện cho ông Nguyễn Đình Xứng, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, hỏi về việc xác minh và xử lý những vấn đề liên quan đến việc xóa rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Quảng Xương, chủ tịch tỉnh đề nghị PV làm việc với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. PV tiếp tục hỏi về quan điểm xử lý của Kết luận thanh tra 1639/KL-TTTH ngày 26/10/2018, trong đó kết luận khá nhiều sai phạm của một số lãnh đạo huyện và xã ở Quảng Xương, nhất là trường hợp của chủ tịch huyện Trần Văn Công, gần 2 tháng kể từ ngày ban hành chưa thấy có động tĩnh, ông Nguyễn Đình Xứng cho biết, mọi việc xử lý phải theo quy trình.
Những thông tin cụ thể về những trường hợp của các cán bộ của huyện, xã cũng “tranh thủ” mua đi bán lại đất rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương, mà PV đã thực tế điều tra, chúng tôi sẽ phản trong những bài viết tới.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin
Minh Hải