Trong quá trình thực hiện loạt bài "Thanh Hóa xóa rừng phòng hộ làm du lịch?", ngoài việc tỉnh Thanh Hóa xóa sổ rừng phòng hộ bằng văn bản (thực tế rừng vẫn đang còn rất nhiều) thì tại huyện Quảng Xương, tình trạng "xẻ thịt" đất rừng chia lô bán đất nền cũng có nhiều sai phạm và diễn biến phức tạp.
Giao 26 lô lô "đất vàng" không đấu giá
Một dải đất ven biển Quảng Xương ( Thanh Hóa) nằm trên trục tuyến giao thông ven biển nối TP Sầm Sơn đi Khu kinh tế Nghi Sơn. Bờ biển được du khách đánh giá là sạch, đẹp. Cho nên từ rất lâu, khu vực này đã trở thành những khu đất vàng, đắt giá phục vụ cho tiềm năng du lịch. Kéo theo đó là tình trạng hỗn loạn về việc mua bán đất cát tại địa phương, trong đó không thiếu tình trạng quan và doanh nghiệp cũng tranh thủ xà xẻo.
Hồi giữa năm 2018, một danh sách “ma” với 26 lô đất đứng tên cán bộ và người nhà bất thần lộ diện, gây xôn xao dư luận. Danh sách này không những cho hàng loạt cán bộ xã đứng tên trong các lô đất ven biển xã Quảng Thái, mà hầu hết những người trên chỉ đứng trên danh nghĩa còn thực tế đất thuộc quyền sở hữu của ai cả lãnh đạo xã đến huyện không trả lời được.
|
Dọc ven biển Quảng Xương, nhiều lô đất đang được rao bán. |
Theo phản ánh, ngày 23/12/2010, ông Trần Văn Công, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Xương (hiện là Chủ tịch UBND huyện này) đã thay mặt UBND huyện ký Quyết định số 2635/QĐ-UBND về việc giao 26 lô đất ở cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở tại xã Quảng Thái với tổng diện tích 5.025 m2, mặt bằng quy hoạch số 11/UB-TNMT ngày 9/8/2010. Mỗi suất đất được cấp tối thiểu là 175 m2 và tối đa là 225 m2.
Thực tế, tất cả những người có tên trong danh sách được nhận đất đều vượt định mức, có hộ vượt nhiều lần quy định.
Vô lý hơn, trong quyết định giao đất nói rõ giao cho 26 hộ gia đình, cá nhân nhưng trên thực tế chỉ có 13 người nhận đất (mỗi người 2 lô).
|
Danh sách 26 lô đất ở xã Quảng Thái gây xôn xao dư luận. |
Trong số 13 người trên có tới 6 cặp vợ chồng cùng đứng tên được nhận đất. Như vậy, có 6 hộ gia đình được nhận mỗi hộ 4 lô đất.
Theo người dân địa phương và giới kinh doanh bất động sản, trung bình mỗi lô đất trên thời điểm hiện tại có giá trị chuyển nhượng trên thị trường cả tỷ đồng.
Ngay sau khi lộ diện danh sách “ma”, ông Nguyễn Đình Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương đã ký ban hành Quyết định số 2043/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) có nội dung thành lập đoàn kiểm tra xác minh trình tự, thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Quảng Thái đứng tên hàng loạt cán bộ và người nhà.
Kết quả kiểm tra liên quan các vi phạm, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, sẽ được báo cáo Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Công xem xét, xử lý.
Dư luận ngay lập tức rộ lên, phải chăng đây là chuyện "tay phải chặt tay trái" trước vụ việc chia chác đất đầy bất minh do ông Công và nhiều cán bộ khác thực hiện, đã bất ngờ bị báo chí phanh phui. Thì nay, ông Công lại tự đứng ra kiểm tra, xử lý sai phạm của... chính mình?
Cán bộ, người nhà cán bộ được giao đất trái phép
Đến lượt Thanh tra tỉnh Thanh Hóa vào cuộc. Qua xác minh, Thanh tra tỉnh nêu UBND huyện Quảng Xương có thành lập hội đồng xác định giá đất của huyện, tuy nhiên quyết định này hiện đã "thất lạc".
Kết luận thanh tra 1639/KL-TTTH ngày 26/10/2018 nêu rõ, việc giao 26 lô đất ở cho 13 cá nhân đúng với mặt bằng đã được UBND huyện Quảng Xương phê duyệt, nhưng không tổ chức đấu giá là trái với Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31-8-2005 của Thủ tướng Chính phủ và quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa. Những lô đất trên được giao vào năm 2010 với tổng số tiền thu về nộp ngân sách là 606 triệu đồng (120.000 đồng/m2).
Qua xác minh danh sách 13 cá nhân được cấp đất, có 6 trường hợp là cán bộ xã Quảng Thái, gồm: Lê Hùng Sơn, Trưởng Công an xã; Trần Phú Dũng, Chủ tịch UBND xã; Phạm Trung Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã; Tô Văn Thục, Phó trưởng Công an xã; Lê Thị Thục, Phó Chủ tịch HĐND xã; Tô Huy Thạo, Phó Công an xã (đã nghỉ hưu). Mỗi người được giao 2 lô đất với tổng diện tích 198 m2/lô. Ngoài ra, thanh tra cũng phát hiện có 2 trường hợp là người nhà cán bộ xã Quảng Thái là bà Trần Thị Hằng (vợ chủ tịch xã Trần Phú Dũng) và bà Nguyễn Thị Hà (vợ phó chủ tịch xã Phạm Trung Tuấn) được giao 2 lô/người với diện tích tương tự.
Đặc biệt, trong số những người được giao đất có ông Trần Văn Mai và bà Trần Thị Hòa, là em trai và em dâu ông Trần Văn Công, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương đương nhiệm (thời điểm ký cấp đất ông Công là Phó Chủ tịch UBND huyện).
Sau khi được giao đất, vợ chồng ông Mai đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) 198 m2/lô. Đến năm 2014, vợ chồng ông Mai đã được cấp lại GCNQSDĐ và tăng diện tích lên 225 m2/lô, người ký cấp đất là ông Trần Văn Công.
Với hàng loạt sai phạm, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa kết luận việc không tổ chức đấu giá 26 lô đất trách nhiệm chính thuộc về ông Vũ Khoa Việt (Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương nhiệm kỳ 2004-2011; hiện đã nghỉ hưu) và các phó chủ tịch thời kỳ 2004-2011, trong đó có ông Trần Văn Công (hiện đang là chủ tịch huyện).
Từ đó, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm đã nêu,; đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Xương kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân thuộc đơn vị quản lý. Ngoài ra, Thanh tra cũng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức xã, huyện có liên quan.
Điều lạ là, cho đến nay đã gần 2 tháng kể từ khi Kết luận thanh tra 1639 ban hành, chúng tôi chưa thấy có bất cứ động tĩnh gì của tỉnh Thanh Hóa trong việc xử lý những sai phạm của một loạt cán bộ đã được điểm mặt, chỉ tên. Trong khi đó, dư luận đang ngày một bất mãn, họ cho rằng sự việc này đang có dấu hiệu chìm xuồng, được “bao che”.
Trong khi đó, đất rừng và diện tích rừng tại Quảng Xương đang mất đi từng ngày, từng giờ bởi văn bản xóa rừng phòng hộ mà UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.
Minh Hải