|
Một hội thảo về chương trình visa định cư EB5 tại Hà Nội - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ.
|
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông báo sẽ không không
cấp visa (thị thực) diện SR, I5, và R5 sau ngày 23/3 cho tới khi chương trình này được Quốc hội Mỹ cho phép trở lại.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, quyết định tạm dừng cấp 3 loại thị thực SR, I5, và R5 áp dụng cho toàn cầu, chứ không phải chỉ riêng với Việt Nam.
I5, R5 là gì?
SR viết tắt từ (Religious Worker - nhân lực tôn giáo) là thị thực dành cho các vị trong chức phẩm tôn giáo. Trong khi I5 và R5 thuộc chương trình thị thực đầu tư EB5, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người Việt Nam trong những năm gần đây.
Chính phủ Mỹ cấp khoảng 10.000 thị thực EB5 cho công dân nước ngoài mỗi năm.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong năm tài khóa 2017, có 665 thị thực EB5 trao cho người Việt (bao gồm vợ chồng con cái).
Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc trong danh sách này với 8.039 thị thực được cấp.
Luật sư Thuần Ngô (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết có tổng cộng 4 loại thị thực thuộc chương trình đầu tư EB5, bao gồm: I5, R5, C5, và T5. I5, R5 như đề cập ở trên sẽ bị tạm ngừng sau 23-3 trong khi C5 và T5 không hề bị ảnh hưởng.
Cụ thể, I5 là thị thực cấp cho người đầu tư những dự án thí điểm trong vùng đông dân cư, R5 là đầu tư những dự án thí điểm hoang vắng, C5 là đầu tư lập dự án tại những vùng không trọng điểm, và T5 là đầu tư lập dự án tại những vùng không trọng điểm, ít công ăn việc làm.
"Ví dụ, người Việt Nam thường được các trung tâm chào mời đầu tư 500.000 USD mua cổ phần trong các quỹ đầu tư, hay còn gọi là đầu tư gián tiếp, thuộc chương trình EB5 chính là thị thực R5, I5. Còn dạng trực tiếp lập doanh nghiệp tại Mỹ và tuyển lao động Mỹ là C5 và T5," luật sư Thuần Ngô giải thích.
Không bất ngờ
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, chương trình EB5 được Quốc hội Mỹ thành lập và phê chuẩn vào năm 1990 nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ thông qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ.
Đầu tiên, người nộp đơn xin thị thực EB5 phải chứng minh đầu tư ít nhất 1 triệu USD vào nền kinh tế Mỹ hoặc ít nhất 500.000 USD vào các vùng nông thôn hoặc khu vực có tỉ lệ thất nghiệp cao để tạo ra ít nhất 10 việc làm toàn thời gian.
Khi hồ sơ xin thị thực EB5 được duyệt, người nộp đơn sẽ nhận thẻ thường trú nhân có điều kiện trong hai năm.
Trong hai năm đó, nếu chứng minh đầu tư hiệu quả, tạo ra ít nhất 10 việc làm cho người dân Mỹ, có thể nộp đơn xin thẻ xanh vĩnh viễn. Đây là cách cơ bản nhất để trở thành công dân Mỹ. Tất cả các quá trình này đều được Chính phủ Mỹ tiếp nhận và xử lý.
Các chuyên gia cho biết do R5, I5 (đầu tư theo dạng mua cổ phần) không tạo ra công ăn việc làm trực tiếp cho người Mỹ như C5, T5 nên không được khuyến khích.
Ngoài ra, R5, I5 cũng thuộc chương trình thử nghiệm thu hút đầu tư. Do vậy, việc Quốc hội Mỹ tạm ngưng cấp 2 loại thị thực này là không bất ngờ.
Luật sư Thuần Ngô cho biết do I5, R5 thuộc chương trình thử nghiệm, do vậy việc tạm ngừng cấp visa này là chuyện bình thường.
"Có thông tin rằng Mỹ muốn điều chỉnh tăng mức đầu tư tổi thiểu lên hơn 500.000 USD. Do đó, việc Quốc hội Mỹ ngừng để xem xét là chuyện rất bình thường," ông Thuần Ngô nói.
Luật sư Thuần Ngô chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ rằng đa phần người Việt thường chọn cách đầu tư mua cổ phần trị giá ít nhất 500.000 USD trong các quỹ đầu tư thuộc chương trình EB5 để xin thị thực I5, R5.
"Rất ít người Việt xin thị thực diện C5, T5 bởi vì khó đáp ứng các yêu cầu khá cao của 2 loại thị thực này như: nguồn vốn lớn (trên 1 triệu USD), xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài, trực tiếp thành lập công ty ở Mỹ và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ," luật sư đoàn TP.HCM nói.
Theo Quỳnh Trung/Tuổi Trẻ