Tại sao Tòa Tối cao bác kháng nghị của Viện Tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải?

Google News

Phán quyết mới nhất trong phiên xét xử Giám đốc thẩm đối với vụ án tử tù Hồ Duy Hải khiến dư luận đặc biệt quan tâm khi TANDTC bác kháng nghị của VKSNDTC. Tại sao lại như vậy?

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Nguyễn Trường Thành (Trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý, người từng bào chữa thành công nhiều vụ án hình sự) về những lý do này.
Tai sao Toa Toi cao bac khang nghi cua Vien Toi cao trong vu an Ho Duy Hai?
Bị cáo Hồ Duy Hải. Ảnh: Internet.
PV: Thưa luật sư, là người từng tham gia bào chữa trong không ít vụ án với hình phạt kịch khung, hoặc vụ án có ảnh hưởng dư luận xã hội như vụ án Lập quỹ trái phép ở Nông trường sông Hậu 10 năm trước, bằng kinh nghiệm của mình, ông có thấy bất ngờ sau phán quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC chiều 8/5 trong phiên giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải?
Luật sư Nguyễn Trường Thành: Tôi không bất ngờ khi biết phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (HĐTP TANDTC) theo đó bác kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải.
PV: Theo ông, tại sao kháng nghị của Viện KSNDTC đã không thể thuyết phục được Hội đồng thẩm phán tuyên trả hồ sơ, điều tra lại vụ án này?
Luật sư Nguyễn Trường Thành: Kháng nghị của Viện KSNDTC đã không thuyết phục được Hội đồng thẩm phán, theo tôi có ba lý do.
Thứ nhất, căn cứ pháp luật mà Viện trưởng Viện KSNDTC áp dụng để kháng nghị là không đầy đủ.
Cụ thể: Thời điểm vụ án xảy ra là năm 2008. Lúc này Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) 2015 chưa có hiệu lực . Việc điều tra, truy tố và xét xử của Cơ quan điều tra, kiểm sát, Tòa án tại Long An và tòa phúc thẩm Tối cao tại TP. HCM là theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2003.
Trong kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC dẫn chiếu các điều luật của bộ luật TTHS để kháng nghị nhưng không nói rõ là bộ luật nào, năm 2003 hay năm 2015.
Tai sao Toa Toi cao bac khang nghi cua Vien Toi cao trong vu an Ho Duy Hai?-Hinh-2
Toàn cảnh phiên Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: Internet. 
Thứ hai: Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị đề nghị HĐTP TANDTC hủy án để điều tra lại do quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Tuy nhiên, đọc kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC thì cho thấy toàn bộ kháng nghị liệt kê các hành vi bị coi là vi phạm tố tụng, nhưng không chỉ ra được vi phạm điều nào, khoản nào, tiết nào của bộ luật TTHS nào.
Trong vụ Hồ Duy Hải thì luật TTHS được áp dụng phải là bộ luật TTHS năm 2003, không thể áp dụng bộ luật TTHS 2015 để xác định các cơ quan tố tụng cấp Sơ thẩm và Phúc thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng được.
Thứ ba: Nguyên nhân này Hội đồng thẩm phán đã kết luận, vì nó liên quan đến Quyết định bác đơn xin tha tội chết của Chủ tịch nước đối với Hồ Duy Hải nên tôi không nhắc lại.
PV: Rõ ràng, chúng ta nói rất nhiều về nguyên tắc “tam quyền phân lập”, hoặc “suy đoán vô tội”. Vậy theo ông, các nguyên tắc này cần nên hiểu ra sao, cụ thể trong vụ án này?
Luật sư Nguyễn Trường Thành: Nguyên tắc “tam quyền phân lập” được hiểu là một Quốc gia tổ chức theo nguyên tắc này.
Ví dụ như Hoa Kỳ bao gồm: Lập pháp: Quốc hội; Hành pháp: Chính phủ: Tư pháp: Tòa án
Ba quyền của ba cơ quan trên hoàn toàn độc lập với nhau.
Nguyên tắc “suy đoán vô tội” là một nguyên tắc cơ bản và tiến bộ của luật TTHS của Nhà nước ta, theo đó luật chỉ cho phép suy đoán có lợi cho người bị khởi tố điều tra và truy tố, đồng thời cũng xác định “một người chỉ coi là có tội khi có bản án có hiệu lực của Tòa án”.
Cụ thể trong vụ án Hồ Duy Hải, Nhà nước ta không tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập nên tôi không đề cập.
Tuy nhiên luật TTHS cũ và mới đều xác định nguyên tắc “Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật“.
Hội đồng thẩm phán đã quyết định dựa trên nguyên tắc này mà không chịu áp lực từ công luận, và ý kiến của Ủy ban Tư pháp Quốc hội.
Tai sao Toa Toi cao bac khang nghi cua Vien Toi cao trong vu an Ho Duy Hai?-Hinh-3
Luật sư Nguyễn Trường Thành cùng thân chủ Trần Ngọc Sương ngày nhận quyết định đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đôíi với bà Ba Sương 10 năm trước. Ảnh nhân vật cung cấp.
Hội đồng thẩm phán sẽ chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình nếu nó có sai lầm nghiêm trọng.
PV: Ông nghĩ rằng tử tù Hồ Duy Hải còn có cơ hội nào nữa không sau quyết định Giám đốc thẩm tuyên chiều 8/5/2020?
Luật sư Nguyễn Trường Thành: Theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, nếu xét thấy quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán có những sai sót nghiêm trọng, có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án, còn những dấu hiệu chưa công bằng, chưa khách quan thì có 4 nơi có thể yêu cầu xem xét lại:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao.
PV: Sau vụ án kéo dài tới 12 năm của một tử tù như vậy, chúng ta có thể học được bài học gì khi áp dụng pháp luật về sau?
Luật sư Nguyễn Trường Thành: Theo tôi, có thể rút ra ba bài học.
Thứ nhất, hoạt động điều tra, truy tố và xét xử cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ luật TTHS và các quy định của luật có liên quan.
Thứ hai, tôn trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, quyền tự bào chữa và nhờ luật sư bào chữa của bị can, bị cáo và gia đình họ.
Thứ ba, áp dụng đúng và đầy đủ các quy định pháp luật trong kháng nghị, xem xét kháng nghị đối với các vụ án hình sự phức tạp được dư luận quan tâm.
PV: Xin cám ơn luật sư đã giải thích.
THỦ TỤC XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Điều 404. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
2. Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
3. Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
 >>> Xem thêm video: Hồ Duy Hải còn có cơ hội làm đơn xin ấn xá?

(Nguồn: VTC9)

Theo Trường Minh/Viettimes