Đại diện lãnh đạo VKSND tỉnh Long An trực tiếp tham gia giám sát trọng án tại Bưu điện Cầu Voi và ký cáo trạng truy tố bị can Hồ Duy Hải lúc ấy là một phụ nữ - bà Trần Thị Nhanh - Phó viện trưởng, sau này là Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An. Bà Nhanh đã chia sẻ đôi điều về vụ án kéo dài này.
Bà Nhanh cho biết, đây là vụ án rất phức tạp, kẻ gây án không bị bắt quả tang, Ban chuyên án phải mất nhiều thời gian truy theo dấu vết để tìm ra nghi can. Với tư cách là người đại diện cơ quan giám sát thực thi pháp luật, bà Nhanh đã xem xét, đánh giá thật kỹ kết luận điều tra của cơ quan công an.
|
Bưu điện Cầu Voi, nơi xảy ra vụ án. |
Bà Nhanh cũng đã trực tiếp tham gia thực nghiệm điều tra tại hiện trường và chứng kiến bị can Hồ Duy Hải thực hiện hành vi phạm tội. Bà cũng nhiều lần trực tiếp nói chuyện với Hồ Duy Hải trong quá trình điều tra cũng như sau khi đã xét xử, lúc bà đã chuyển sang công tác khác.
Bà cho biết, do đây là vụ trọng án phức tạp về tình tiết, nên cơ quan điều tra công an tỉnh và VKSND tỉnh Long An thường xuyên họp để đánh giá chứng cứ, xem xét mọi khía cạnh của vụ án. Theo bà Nhanh, do vụ án phức tạp, thời gian điều tra kéo dài, lực lượng tham gia phá án khá đông, nên đã để xảy ra một số sai sót về tố tụng, nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án.
Khi vụ án kéo dài, rồi có kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối cao, bà Nhanh vẫn tin rằng kết cục vụ án sẽ không có gì thay đổi. Bà cho biết, quá trình điều tra được làm rất công tâm, các cơ quan làm rất trách nhiệm, cân nhắc, suy xét mọi mặt; bởi sinh mạng của một người rất quan trọng, không thể làm oan cho ai, và cũng không thể làm ngơ trước mất mát của gia đình nạn nhân nên bà và các đồng sự đã làm việc đầy công tâm, hết trách nhiệm.
Bà Nhanh cho rằng, theo pháp luật nước ta, mọi người dân đều xuất phát vô tội, muốn chứng minh một người có tội, cơ quan điều tra phải đưa ra những chứng cứ khoa học, thuyết phục, không thể chối cãi. Cơ quan giám sát càng phải công tâm, khách quan đánh giá chứng cứ, tránh để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Theo bà Nhanh, sau những lần làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra về diễn tiến vụ án, bà đã nhiều lần trực tiếp gặp, trò chuyện với Hồ Duy Hải vì bà tin rằng, với tình cảm như của người chị, bà sẽ giúp anh ta trình bày những uẩn khúc với bà nếu có.
Bà cũng tin rằng giác quan nhạy cảm của người phụ nữ sẽ giúp bà phát hiện ra dấu hiệu oan sai nếu có. Trong các lần tiếp xúc với bà, không khi nào Hồ Duy Hải kêu oan mà luôn thành khẩn nhận tội. Một lần tiếp xúc với bà, Hải đã khóc và nói rằng nhiều đêm mình không ngủ được, bị lương tâm dằn vặt vì tội lỗi đã trót gây ra với 2 nạn nhân.
Sau này khi chuyển sang công tác khác, không còn làm ở VKSND tỉnh Long An, bà Nhanh còn vài lần đến Trại tạm giam Long An để gặp, trò chuyện với Hồ Duy Hải. Những lần sau này, Hải ít nói hơn và cũng không một lời kêu oan.
Sau khi thôi công tác ở VKSND tỉnh Long An, bà Nhanh đã chuyển qua vài cơ quan và làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An trước khi về nghỉ hưu năm 2016.
Theo Kỳ Quan/Lao Động