Liên quan đến việc Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ôtô trên tất cả các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý; Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản gửi VEC, yêu cầu cơ quan này phải sửa đổi, bỏ những quy định bất hợp lý trong Quyết định số 13 ngày 10/1/2019.
|
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Lê Quân. |
Trong quyết định này, VEC đã đưa ra một số quy định từ chối phục vụ từ ngày 1/7 với các xe dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định trên cao tốc; dừng đỗ tại các nhà hàng, quán ăn, các điểm dịch vụ mở trái phép hai bên hành lang đường cao tốc, đổ chất thải, vứt rác, sang tải trên đường cao tốc, cố tình dừng, đỗ tại làn cân, trạm thu phí cản trở giao thông; gian lận cước phí...
Trong khi đó, hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, theo nghị định này, không có một quy định nào cho phép doanh nghiệp tự ý ban hành các quy định và tự thực hiện xử lý vi phạm đối với các phương tiện đi trên đường cao tốc mà có các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Việc VEC tự động vận dụng văn bản nội bộ để cấm các phương tiện lưu thông trên cao tốc là trái pháp luật và có dấu hiệu lạm quyền.
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định VEC không chỉ ra văn bản trái luật mà còn xâm phạm quyền tự do đi lại của công dân - quyền con người được hiến định.
"Về mặt quản lý Nhà nước, Cơ quan quản lý VEC và Cục quản lý văn bản Bộ Tư pháp phải có trách nhiệm tuýt còi. Tại sao lại để một việc nghiêm trọng xảy ra mà ko có ý kiến gì?", luật sư Thu Nam đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý VEC.
Việc VEC thừa nhận "chưa đủ cơ sở pháp lý" khi VECE thay mặt VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý, luật sư Nam cho rằng VEC đang "chữa cháy" khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận.
|
Trạm thu phí Long Phước trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: VEC. |
Luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) chỉ ra, VEC chỉ là một doanh nghiệp, không phải cơ quan có thẩm quyền để cấm hoặc hạn chế việc lưu thông của bất kỳ phương tiện hoặc cá nhân nào. Việc VEC tự "sáng tạo" ra hàng loạt quy định pháp luật để cấm hàng nghìn phương tiện mặc cho họ không vi phạm là hành vi vi hiến, trái luật.
Theo các luật sư, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải kiểm tra, ngăn chặn và có chế tài xử lý đối với những việc trái pháp luật.
Bên cạnh đó, người bị ảnh hưởng bởi các văn bản trên có quyền khởi kiện ra tòa nếu cho rằng quyền lợi của mình bị thiệt hại. "Chủ phương tiện từng bị VEC áp dụng các quy định trái luật có quyền khởi kiện VEC để yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu cho rằng văn bản VEC ban hành gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình", luật sư Thu Nam cho biết.
Trước đó, VECE thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn với 2 ôtô mang biển kiểm soát TP.HCM là 51A - 55850 và 51G - 77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý. VEC cho rằng những người đi trên 2 phương tiện này đã có hành vi gây rối tại trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đại diện VECE cho biết thêm, quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đã chiếu theo các thông tư, quy định của pháp luật trước khi được đưa ra. Đơn vị này cũng lưu ý rằng toàn bộ cao tốc của VEC không phải là độc đạo, các xe nói trên có thể lưu thông bằng những đường khác.
Tuy nhiên, khi quyết định này vấp phải nhiều ý kiến phản đối, lãnh đạo VEC thừa nhận việc từ chối phục vụ vĩnh viễn phương tiện trên cao tốc mà VECE đưa ra là thiếu cơ sở pháp lý.