Ngày 2/11, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đoàn Hà Yên cùng lãnh đạo các địa phương họp bàn với Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VEC) xử lý tồn tại, vướng mắc liên quan đến dự án này.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thừa nhận quá trình thi công vòng xoay cao tốc nối vào đường Trì Bình - Dung Quất đã xảy ra sụt lún.
|
Vòng xoay nối cao tốc với quốc lộ 1, đường Trì Bình đi cảng Dung Quất thi công dang dở. Ảnh: Quảng Đà. |
Sụt lún hơn 1 m, vượt biên độ thiết kế
"Các đơn vị đổ đất thi công nhánh đường cao tốc ra đến đường sắt Trì Bình cao 14 m nhưng đến nay đã sụt lún hơn 1 m. Nếu tình trạng này kéo dài dễ gây sạt trượt nên cần phải gia tải 300 ngày để xử lý dứt điểm sụt lún", đại diện VEC đề xuất.
Gói thầu A3 dài 10,6 km (Km 99+500 - Km 110+100) do Công ty TNHH công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) làm nhà thầu chính. Tổng giá trị gói thầu này khoảng 1.360 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế Giới (WB). Nhà thầu Giang Tô đã ký hợp đồng với nhà thầu phụ là Công ty Anh Cường để thi công hạng mục vòng xoay này.
Ông Đoàn Hà Yên, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết qua trao đổi, đại diện VEC thừa nhận đường nhánh C1 nối cao tốc vào đường Trì Bình - Dung Quất bị lún vượt qua thiết kế đã được duyệt.
"Khâu xử lý chờ gia tải chống sụt lún kéo dài đến 300 ngày, chúng tôi lo dự án chậm kéo dài", ông Yên lo lắng.
Trước tình hình này, địa phương đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công đường kết nối Khu kinh tế Dung Quất và một số khu vực lân cận với đường cao tốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Xem xét xử lý hình sự nhà thầu chậm sửa đường gây tai nạn
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các xã: Bình Trung, Bình Nguyên, Bình Chánh... thuộc huyện Bình Sơn phản ánh tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác 2 tháng, nhưng đến nay các nhà thầu vẫn chưa khắc phục, hoàn trả các tuyến đường dân sinh. Hiện các tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện "ổ voi, ổ gà" gây ra nhiều vụ tai nạn cho người dân.
Ông Hồ Văn Nhị, Phó chủ tịch UBND xã Bình Trung, phàn nàn nhà thầu chậm hoàn trả đường khiến tuyến qua địa phương xuất nhiều những ao nước lớn. "Học sinh đến trường liên tục té ngã, người dân đi lại đối mặt nguy hiểm, mất an toàn. Trong khi đó, nhà thầu lại đào đất bùn hoàn trả nền đường dân sinh khiến dân bức xúc", Phó chủ tịch xã Bình Trung nói.
Về vấn đề trên, ông Đoàn Hà Yên, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, yêu cầu công an địa phương vào cuộc điều tra. "Nếu xác định vụ tai nạn nào nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến các nhà thầu chậm sửa đường thì công an lập hồ sơ, xử lý hình sự", ông Yên nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, nhiều lãnh đạo xã ở huyện Bình Sơn đề nghị VEC cần hỗ trợ đền bù cho người dân có diện tích đất bị ngập úng, điều chỉnh lại hệ thống rào chắn an toàn, mở lối ra cánh đồng; mở rộng kênh thoát nước tại các hầm, cầu chui cao tốc tạo điều kiện đi lại, làm ăn thuận lợi cho người dân.
Chưa thi công hoàn thiện mái taluy
Đại diện VEC thừa nhận do thời gian gấp rút, đảm bảo tiến độ thông xe ngày 2/9 vừa qua nên một số nhà thầu chưa thi công hoàn thiện mái taluy. Do vậy, mưa lớn làm trôi chảy đất đá, bùn nhão xuống hầm, cầu chui cao tốc gây cản trở đi lại cho người dân.
"Chúng tôi cam kết từ nay đến cuối tháng 12, những vấn đề dân sinh liên quan đến dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi sẽ được xử lý dứt điểm", đại diện VEC cam kết.
Trước đó, thông cáo phát đi ngày 28/10, VEC yêu cầu các nhà thầu khẩn cấp huy động nhân, vật lực để hoàn thiện các hạng mục còn lại, tồn tại theo điều khoản bảo hành công trình.
VEC sẽ từ chối thanh toán cho các nhà thầu cho đến khi các hạng mục còn tồn tại được hoàn thiện xong, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Theo Zing