Tài liệu chỉnh sửa, bổ sung SGK tiếng Việt lớp 1: Sẽ phát hành miễn phí

Google News

Bộ GD&ĐT chỉ đạo nhà xuất bản phát hành SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều sẽ in thêm tài liệu chỉnh sửa, bổ sung và phát hoàn toàn miễn phí cho học sinh và các trường đang sử dụng SGK này.

Tai lieu chinh sua, bo sung SGK tieng Viet lop 1: Se phat hanh mien phi
Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát lại tất cả 5 bộ SGK lớp 1. Ảnh: Như Ý 
Ngày 20/10, tại cuộc họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ báo cáo lại toàn bộ các nội dung liên quan đến biên soạn, thẩm định, phát hành, giảng dạy SGK lớp 1. Ông nêu lại vấn đề về kết quả rà soát điều chỉnh với SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều và những việc cần làm liên quan SGK trong giai đoạn tới.
Trước câu hỏi về việc tại sao giáo viên đang dạy lớp 1 không lên tiếng về những bất cập trong SGK tiếng Việt của nhóm Cánh Diều, phải chăng Bộ GD&ĐT có chỉ đạo không cho giáo viên phát ngôn về điều này, ông Độ khẳng định, Bộ không có bất cứ chỉ đạo nào, ngược lại, rất mong nhận được ý kiến góp ý của người trực tiếp giảng dạy. Ông Độ nói rằng, Bộ GD&ĐT biết thông tin về SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều hơi chậm so với phản ánh của báo chí vì trước đó Bộ có đi kiểm tra, dự giờ một loạt địa phương, và thấy không giáo viên nào có ý kiến gì về bất cập trong chương trình hay SGK.
Theo ông Độ, vai trò của giáo viên rất quan trọng, giáo viên được quyền chủ động trong xây dựng bài học nên biết SGK là tài liệu quan trọng nhưng không phải dạy theo hoàn toàn SGK. Những ngữ liệu nào trong SGK mà giáo viên thấy không phù hợp với học sinh của mình thì có thể thay đổi, điều chỉnh để phù hợp hơn. Có những bài phải thay đổi nằm ở cuối SGK nên đến thời điểm này giáo viên cũng chưa chạm đến nên không ảnh hưởng quá nhiều.
Ông Độ cũng đề cập những khó khăn khách quan do dịch COVID-19 mà việc thay SGK lớp 1 năm nay gặp phải khiến cho việc tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên… bị chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Dịch bệnh cũng khiến trẻ mầm non 5 tuổi năm nay hầu như không được đến trường trong học kỳ 2 khiến cho các em vào lớp 1 mà chưa được chuẩn bị tốt về tâm thế. Bên cạnh đó, theo ông Độ, năm nay, ngày khai giảng trùng với ngày tựu trường khiến cho học sinh lớp 1 không còn 2 tuần làm quen như trước nên cũng gây những bỡ ngỡ, khó khăn khi vào học ngay chương trình.
Đối với kết quả rà soát sách tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Bộ đã yêu cầu nhà xuất bản và nhóm tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính và gửi hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11. Theo ông, bộ sách Cánh Diều lỗi lớn thì sửa, lỗi nhỏ trong quá trình dạy học có thể điều chỉnh, vì theo quy định hiện nay, giáo viên và các trường có quyền chủ động hơn. Sau sự việc của sách Cánh Diều, Bộ đã yêu cầu các nhà xuất bản, các tác giả rà soát tất cả 5 bộ sách để xem có vấn đề gì cần chỉnh sửa hay không, ông nói.
Tai lieu chinh sua, bo sung SGK tieng Viet lop 1: Se phat hanh mien phi-Hinh-2
Thị phần SGK lớp 1 của các bộ sách Nguồn: Bộ GD&ĐT 
Miễn phí tài liệu chỉnh sửa
Ông Độ cho biết, Bộ GD&ĐT chỉ đạo nhà xuất bản phát hành SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều trên tinh thần đã thống nhất là sẽ in thêm tài liệu chỉnh sửa, bổ sung và phát hoàn toàn miễn phí cho học sinh và các trường đang sử dụng SGK này. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho học sinh căn cứ vào yêu cầu về ngữ liệu được quy định trong chương trình, căn cứ vào trình độ học sinh, mục tiêu của hoạt động dạy học theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Bộ đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK, việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Việc trưng cầu ý kiến này được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT tương tự quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Nghiêm Huê/Tiền phong