Phụ huynh “ nhặt sạn” trong SGK Tiếng Việt lớp 1
“Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: - Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá”.
“Cá hết cò tìm cua. Cua nửa tin nửa ngờ. Cò dỗ: Hồ kia to lắm, cua sẽ mê tít. Cua đề cò đưa đi. Cò cắp cua đến gò đất nhỏ. Nó mổ cua. Cua bèn giơ gươm, kẹp cổ cò. Cò van xin. Cua bắt cò đưa về hồ cũ”.
Đây là hai phần câu chuyện Cua, cò và đàn cá được dẫn nguồn “truyện dân gian Việt Nam” qua lời kể lại của một tác giả Ngọc Khanh. Và đây cũng là một trong những câu chuyện con chữ đầu đời của học sinh lớp 1 được đưa trong SGK Tiếng Việt 1.
|
Chuyện Cua, cò và đàn cá được tách làm hai phần. |
Không ít phụ huynh đặt câu hỏi, ngoài việc cho học sinh ôn chữ ôn vần, thông điệp giáo dục là gì trong câu chuyện trên ngoài sự lọc lừa, xảo quyệt của cò, sự nhẹ dạ cả tin của đàn cá? Câu chuyện hướng đến sự cảnh giác trước cái ác, cái xấu nhưng cũng có hệ lụy tác động xấu đến tâm hồn trẻ thơ khi có sự hiển hiện của cái ác, sự dã tâm, mưu mô, tính toán, lọc lừa của con cò.
“Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác. Còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm, ngựa tía thắc mắc: - Chị làm hùng hục như thế để làm gì? Ngựa ô ngạc nhiên: - Không làm thì ông chủ mắng. - Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn. Ngựa ô lẩm bẩm: “Có lí lắm”.
Câu chuyện “Hai con ngựa” trên được ghi nguồn là “phỏng theo” Lev Tolstoy qua lời kể của Hoàng Minh. Tuy nhiên, phụ huynh khi đọc xong cũng thảng thốt giật mình khi xuyên suốt câu chuyện là dạy học sinh sự khôn lỏi, lươn lẹo, cổ xúy cho sự lười biếng, không làm mà vẫn có ăn. Những nhân vật chăm chỉ làm nụng, lao động bị dụ dỗ bỏ bê công việc, trở nên lười biếng khi nghĩ “trốn” việc là “Có lí lắm”?
Ngoài hai câu chuyện trên, một số bài tập đọc trong cuốn Tiếng Việt 1 của bộ Cánh diều cũng được các phụ huynh mổ xẻ như bài tập đọc về lừa và ngựa bị một số ý kiến cho là dạy trẻ con thói lười nhác, thủ đoạn. Trong khi đó, bài đọc Ve và gà thì bị chỉ trích rằng bịa, La Phông-ten không có câu truyện này. Ngay bài đọc 'Họp lớp' phụ huynh cũng nhận xét rằng, trẻ con sẽ chẳng hiểu gì, bởi các em mới là học sinh lớp 1 chưa có khái niệm về chuyện này.
Nhiều phụ huynh đã phản ứng về những nội dung trên trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, thậm chí có phụ huynh đã viết thư gửi tới chủ biên của bộ SGK Cánh diều và nói rằng những nội dung như thế xuất hiện trong SGK lớp 1 là rất đáng buồn. “Thánh nhân có câu 'Nhân chi sơ, tính bản thiện'. Những đứa bé được dạy những điều như câu chuyện hai con ngựa (trong sách lớp 1, cải cách có nhiều bài như thế) thì mục đích của nền giáo dục là gì? Chúng ta dạy trẻ con để phòng cái ác, cái xấu hay là dạy chúng làm cái xấu, cái ác từ khi còn bé. Hay là chúng ta dạy trẻ con những kỹ năng để tồn tại trong cái xã hội đương đại ở Việt Nam từ khi còn bé?...', - phụ huynh này viết.
Chủ biên thừa nhận viết lại
Trao đổi với báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên sách giáo khoa tiếng Việt của bộ Cánh diều cho biết đã tiếp nhận những nhận xét này và khẳng định những người biên soạn sách giáo khoa đã làm rất kỹ và có quan điểm của mình.
Nói về bài tập đọc "Hai con ngựa" bị cho rằng là câu chuyện bịa, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết bài tập đọc này được viết lại (phỏng theo) truyện "Ngựa đực và ngựa cái" của Lev Tolstoy được in trong cuốn "Kiến và bồ câu". Trong SGK Tiếng Việt 1, cốt truyện được giữ nguyên, nhưng truyện dài nên phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2, phần 2 được học ngay sau phần 1.
Về nhân vật, tác giả phải sửa 'ngựa đực, ngựa cái' thành 'ngựa tía, ngựa ô' vì học sinh đến tuần đó chưa học các vần 'ưc', 'ai' và cũng vì không muốn nói chuyện 'đực, cái'. Trong truyện của Lev Tolstoy, ngựa cái lười biếng xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại. Ngựa đực làm theo lời ngựa cái. Bác nông dân thấy ngựa đực ương bướng, bèn đóng ngựa cái vào vai cày. Những chi tiết này đã được tác giả sửa lại cho nhẹ nhàng nhưng căn bản diễn biến câu chuyện vẫn như truyện của L. Tolstoy.
'Về ý nghĩa, một nhà văn lớn như Lev Tolstoy không bao giờ viết một truyện tầm phào hoặc phản giáo dục. Ý nghĩa của câu chuyện này là: xui người khác làm bậy thì chính mình sẽ chịu hậu quả' – ông Thuyết giải thích.
|
Bài tập đọc Hai con ngựa. |
Bài tập đọc "Ve và gà" cũng được viết lại (phỏng theo) truyện "Ve và kiến" của La Fontaine, nhà văn Pháp. Truyện dài nên cũng phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2, dạy liền nhau. Tác giả SGK phải đổi nhân vật "kiến" thành "gà" vì đến lúc này học sinh chưa học vần ''iên", nhưng cốt truyện giữ nguyên. Các bài đọc trên chỉ sửa tên nhân vật cho phù hợp với các chữ, các vần học sinh đã được học và chưa được học nhưng đã được tác giả thận trọng ghi là "phỏng theo" và đưa tên người kể lại để chịu trách nhiệm.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, những người viết bài trên mạng để chỉ trích sách cố ý chỉ chụp ảnh phần 1, cắt nó ra khỏi phần 2.
Một số ý kiến thắc mắc khi nhóm tác giả sách sử dụng từ 'nhá' – nhá cỏ, nhá dưa chứ không sử dụng từ 'nhai' trong bài tập đọc 'Thỏ thua rùa'. Các ý kiến này cho rằng nhóm tác giả đã sử dụng phương ngữ, học sinh không hiểu.
'Theo chương trình thì đến phần có bài tập đọc này học sinh chưa học đến vần 'ai', nên tác giả sách sử dụng từ 'nhá'. Từ này hoàn toàn không phải là phương ngữ mà là từ phổ thông, có trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê. Tương tự với những thắc mắc về việc sao không sử dụng từ 'hiên' mà lại là từ 'hè'… Hè hay hiên thì cũng là từ phổ thông, đều có mặt trong Từ điển Hoàng Phê' – ông Thuyết lý giải.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đưa quan điểm về ý nghĩa của các bài đọc. “Có thắc mắc rằng lấy đâu ra chuyện chó xù ra ngõ gặp sư tử. Nếu cứ theo tư duy kiểu này, thì các câu chuyện cổ tích, thần thoại phải bỏ đi hết hay sao? Hay bài đọc Cua, cò và đàn cá bị cho là dạy học sinh khôn lỏi. Đây là bài đọc theo truyện dân gian Việt Nam. Mà truyện dân gian vốn dĩ sâu sắc lắm, khai thác như thế nào là do tâm địa mỗi người. Người này cho rằng bài này dạy học sinh khôn lỏi, nhưng người kia lại rút ra được bài học cảnh giác. Bây giờ người xấu nhiều, dạy trẻ con phải cảnh giác không thừa” – ông Thuyết nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định các bài đọc là để học sinh ôn chữ, ôn vần. Ông cho rằng không nên lo học sinh không hiểu, bởi dạy cho học sinh hiểu là nhiệm vụ của giáo viên. Giáo viên sẽ giảng cụ thể cho học sinh ý nghĩa của từ ngữ trong các bài đọc, học sinh không phải tự mình học với SGK.
Dạy trẻ đánh vần cũng cần dạy cách làm người
Xin dẫn lại toàn bộ ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết như trên để có thể thấy quan điểm của người biên soạn sách giáo khoa mang lại những cái nhìn khách quan xung quanh câu chuyện sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 đang gây nhiều tranh cãi kể cả trên mạng xã hội cũng như ngoài đời thực.
Mục đích chính của SGK Tiếng Việt lớp 1 giúp học sinh làm quen với bảng chữ cái, các dấu câu, âm cơ bản của tiếng Việt và học cách đánh vần. Nhìn nhận thực tế, SGK Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều được trình bày đẹp, nội dung kèm những hình vẽ sinh động, thực tế. Đáng tiếc nội dung một số bài tập độc còn dẫn đến nhiều tranh cãi và nói thẳng ra vẫn còn những “hạt sạn”.
Dù người biên soạn sách giải thích rằng, truyện dài nên phải chia làm 2 phần và những người viết bài trên mạng để chỉ trích sách cố ý chỉ chụp ảnh phần 1, cắt nó ra khỏi phần 2. Tuy nhiên thực tế mỗi phần lại là một bài đọc khiến học sinh chỉ hiểu nội dung ban đầu từ bài tập đọc đó mà không hiểu hết ý nghĩa giáo dục ở phần sau. Khi các em đã tiếp nhận thông tin nội dung phần đầu thì khi đó nó đã in lên tâm hồn các em. Một câu chuyện truyền tải đầy đủ ý nghĩa khi nó xuyên suốt còn khi đã cắt làm hai phần sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu khi phần đầu chứa những chi tiết xấu phần sau mới mang lại ý nghĩa giáo dục.
Học sinh lớp 1, lứa tuổi "như trang giấy trắng" bắt đầu làm quen câu chữ với tâm hồn trong trắng, ngây thơ. Bài tập đọc mục đích để các em tập đánh vần với những âm cơ bản của tiếng Việt. Tuy nhiên, không nên xem nhẹ nội dung những câu chuyện, bởi đây cũng là lứa tuổi đang hình thành nhân cách, suy nghĩ về cuộc sống.
Chúng ta không nên để các em phải nhận biết sự lọc lừa, xảo quyệt, dối trá, thậm chí cả cái ác qua các nhân vật trong các câu chuyện chỉ để cảnh giác, dù chỉ có vài câu chuyện trong bộ sách. Chúng ta không nên đưa những câu chuyện nhạt nhẽo, không có thông điệp giáo dục để các em tiếp cận trong những bài học đầu đời. Bởi giáo dục không chỉ dạy học sinh đánh vần, nhận biết mặt chữ mà còn dạy cách làm người, hình thành nhân cách những đứa trẻ.
Lẽ ra thay bằng những câu chuyện có nội dung là những mưu hèn, kế bẩn để biện minh cho sự lười biếng, trốn tránh công việc (Hai con ngựa); hay để sát hại lẫn nhau để sống (Cua, cò và đàn cá) bằng nhiều hơn nữa những câu chuyện gần gũi thân thương của đời sống gia đình, trường học và xã hội, tạo cho những đứa trẻ vừa tập đọc vừa có suy nghĩ đúng đắn về tình yêu thương, lòng nhân ái và những điều đẹp đẽ tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi nhớ sách giáo khoa tiếng Việt ngày trước có bài tập đọc “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”- giá như tất cả những bài tập đọc đều có nội dung, ý nghĩa tốt đẹp như vậy thì hoàn hảo biết bao nhiêu.
“Một nhà văn lớn như Lev Tolstoy không bao giờ viết một truyện tầm phào hoặc phản giáo dục” và bản thân những người biên soạn sách giáo khoa cũng vậy. Tuy nhiên, từ bản gốc đến bản rút gọn, viết lại chỉnh sửa đã dẫn đến những “hạt sạn” rất đáng buồn. Đáng tiếc những “hạt sạn” được phụ huynh chỉ ra những ngày qua không được tiếp thu, chỉnh sửa để cuốn sách trở lên hoàn hảo hơn mang triết lý giáo dục, ý nghĩa cuộc sống tốt hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video "Đánh Vật" với chương trình tiếng việt lớp 1
Tâm Đức