Vừa qua, PGS.TS. Bùi Hiền đã gây bão mạng xã hội với bài viết “Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế” trong đó đề xuất giảm ký tự bảng chữ cái từ 38 xuống 31.
|
PGS-TS Bùi Hiền. |
Cụ thể, tác giả này cho rằng, cho đến thời điểm hiện tại, chữ quốc ngữ mà chúng ta dùng đã không còn hợp lý nữa, gây khó khăn cho người dùng khi những quy định chưa thống nhất nên quá trình giải nghĩa gặp những bất cập khác nhau.
Hiện nay, chúng ta dùng rất nhiều chữ để diễn đạt âm vị cũng như cách đọc: Việc dùng các phụ âm đứng đầu như: S-X (sôi, xôi); Tr-Ch (tre, che); C-K-Q (cuốc, quốc, ca, kali), …hay việc chúng ta dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng/Ngh, Nh.
Từ những bất cập và khó khăn trên, tác giả Bùi Hiển đã đề xuất tiến tới phương án tối ưu, giảm thiểu những phức tạp trên bằng cách chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.
Cụ thể, chúng ta sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt và thêm một số chữ cái tiếng Latin cho dễ sử dụng như: F, J, W, Z. Cùng với đó, chúng ta sẽ tiến hành thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên.
Ví như: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Như vậy, với đề xuất này, chúng ta sẽ giảm được những khó khăn cho người dùng, không gây lẫn lộn và bất cập. Theo đó, bộ chữ cái tiếng Việt chỉ còn 31 ký tự thay cho 38 ký tự như hiện nay.
|
Một ví dụ về chữ viết hiện tại và chữ viết cải tiến theo đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền (Ảnh: M.Q) |
Ngay sau khi ý tưởng này được đưa ra đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Thậm chí, có nhiều người còn nói đó là một đề xuất "vô lý và ngớ ngẩn" vì nó phá vỡ sự tinh tế và trong sáng của tiếng Việt. Đó là chưa kể việc nếu đề xuất được thông qua sẽ phải thiết kế lại toàn bộ SGK, phương pháp dạy học…
Liên quan đến những tranh cãi trên PGS.TS. Bùi Hiền cho hay: “Cho đến thời điểm hiện tại tôi mới chỉ nghiên cứu xong vấn đề này có một nửa và mới chỉ giới thiệu công trình này ở một bài viết trong hội thảo ngôn ngữ tại Quy Nhơn hồi tháng 9 vừa qua.
Tôi đã nhen nhóm ý tưởng và đầu tư nghiên cứu công trình này trong suốt gần 20 năm qua. Lâu nay chúng ta vẫn quen với cách viết chữ quốc ngữ hiện tại thì đương nhiên khi đọc công trình này của tôi sẽ khó chấp nhận.
Đứng về mặt thẩm mỹ nhìn chữ cải tiến theo đề xuất của tôi thì đúng là hơi rối mắt và gây cảm giác khó chịu. Tôi tin rằng cũng có những người sẽ thấy đề xuất của tôi là vô lí, kệch cỡm. Đó là điều bình thường có thể hiểu được. Bởi lẽ chúng ta đã quá quen với cách dùng chữ hiện nay, và chúng ta cho rằng chữ hiện nay là hợp lý và không cần thay đổi. Cũng có những người có tâm lý “ngại sự thay đổi” cũng sẽ phản ứng gay gắt”.
PGS.TS. Bùi Hiền cũng cho biết thêm, thực ra chữ của chúng ta hiện nay là dùng chữ Latinh để phiên âm tiếng Việt vì thế tôi nghĩ bỏ một số chữ hiện hành rắc rối và thay vào đó là chữ Latinh cũng là hợp lý.
Ví như: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r.
Nói thật, việc dùng các âm ghép như: Nh, ngh, ng…rất phức tạp và dễ nhầm lẫn nhất là với những học sinh bậc tiểu học. Nếu giờ đây chúng ta dùng chữ Latinh để biểu hiện hơn 31 âm và quy định mỗi âm được biểu hiện bằng 1 kí tự thì học sinh sẽ rất dễ nhớ.
Chúng ta hãy làm phép thử so sánh học bảng chữ cái hiện hành với bảng chữ cái theo đề xuất của tôi thì sẽ thấy đề xuất giảm còn 31 chữ sẽ rất dễ nhớ, dễ học.
Theo Hoàng Thanh/Infonet