Theo luật hiện hành, việc miễn học phí chỉ áp dụng với bậc giáo dục tiểu học. Nếu đề xuất được chấp thuận như dự thảo luật, việc miễn học phí sẽ áp dụng với cả bậc giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở.
Theo dự thảo, mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND cùng cấp.
|
Theo dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Bộ Giáo dục - đào tạo trình Chính phủ, đối tượng học sinh không phải đóng học phí sẽ được mở rộng đến lớp 9. |
Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Cũng theo dự thảo, quy định về tiền lương của nhà giáo sẽ được điều chỉnh theo hướng lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.
Giải thích về đề xuất này, lãnh đạo Giáo dục - đào tạo cho rằng lương giáo viên hiện nay, nhất là lương giáo viên ở các bậc mầm non, tiểu học đang rất thấp. Lương nhà giáo không đủ để giáo viên có mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Để phù hợp với định hướng của chương trình Sách giáo khoa phổ thông mới, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này cũng bổ sung vào điều 29 nội dung "một chương trình nhiều sách giáo khoa".
Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất trong cả nước và việc tổ chức thực hiện đảm bảo tính linh hoạt. Bộ Giáo dục - đào tạo sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân khác cũng có thể biên soạn sách giáo khoa.
Các bộ sách giáo khoa được viết theo chương trình thống nhất và đảm bảo các nguyên tắc, tiêu chí đã đề ra, được Bộ Giáo dục - đào tạo thẩm định trước khi lưu hành.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.
Không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT
Dự thảo mới không sửa đổi, bổ sung điều Điều 31 trong Luật Giáo dục 2005 quy định về xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học và cấp văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Theo đó, tại khoản 3 của điều này, học sinh học hết chương trình trung học phổ thông có đủ điều kiện theo quy định của bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi (tốt nghiệp THPT - PV) và nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc sở giáo dục và đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Như vậy, sẽ không bỏ kì thi tốt nghiệp THPT như nhiều ý kiến đã góp ý trong thời gian qua.
Theo Vĩnh Hà/Tuổi trẻ