Trong thế kỷ 20 và 21, thị trường nước tăng lực bùng nổ và trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Nước tăng lực hiện được bán tại hơn 140 quốc gia trên thế giới và là thức uống khoái khẩu của rất nhiều trẻ em, thanh thiếu niên. Với khẩu hiệu và lời hứa hấp dẫn về năng lượng tức thì, người ta dễ dàng bỏ qua những nguy cơ sức khỏe do nước tăng lực gây ra.
Nước tăng lực là gì?
Nước tăng lực là loại thức uống có chứa các chất kích thích, thường bao gồm cafein. Chúng thường được quảng cáo có công dụng kích thích tinh thần, tăng năng lượng, sự tỉnh táo và khả năng làm việc.
Dựa vào kích cỡ, người ta phân thành hai loại nước tăng lực. Một loại có thể tích tương tự như các loại nước ngọt thông thường là chai 16 oz (khoảng 473 ml). Loại còn lại có thể tích nhỏ hơn là chai 2 oz (khoảng 59 ml).
Thành phần chính và giữ vai trò quan trọng trong nước tăng lực thường là cafein. Cafein là chất kích thích có khả năng làm tăng nhịp tim và huyết áp. Nồng độ cafein trong một chai nước tăng lực với thể tích 236-354 ml là khoảng 72 đến 150 mg. Trong khi đó, nước ngọt có ga chúng ta thường uống có khoảng 9,6 - 10,71 mg cafein trong 100 ml.
|
Nước tăng lực là loại thức uống có chứa các chất kích thích, thường bao gồm cafein. Ảnh: Dnaindia.
|
Các thành phần khác trong nước tăng lực có thể bao gồm guarana, chiết xuất trà xanh và inositol, đều chứa cafein. Ngoài ra, chúng còn có nhân sâm, hồng sâm, taurine (một acid amin có tác dụng kích thích), các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa khác.
Ảnh hưởng của nước tăng lực đối với sức khỏe
Trong một số nghiên cứu, nước tăng lực được phát hiện giúp cải thiện sức bền thể chất nhưng có ít bằng chứng về bất kỳ tác dụng nào đối với sức mạnh cơ bắp. Nước tăng lực giúp tăng cường sự tỉnh táo và cải thiện thời gian phản ứng nhưng cũng có thể làm giảm sự ổn định của bàn tay.
Theo nhiều nhà sản xuất, nước tăng lực mang lại công dụng như giúp giải khát ngay tức thì, bổ sung năng lượng cho cơ thể, chống buồn ngủ, tinh thần tỉnh táo, tăng độ tập trung, mang lại sự hưng phấn sau khi uống và tăng cường quá trình chuyển hóa năng lượng.
Bên cạnh đó, một số tác dụng có hại của nước tăng lực như:
- Sâu răng: Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí General Dentistry tiết lộ rằng lượng đường cao được tìm thấy trong nước tăng lực có khả năng ăn mòn men răng hơn các loại đồ uống khác.
- Say nước ngọt tạm thời hoặc gây nghiện và phải uống liên tục: Chúng ta biết rằng trong thành phần chính của các loại nước tăng lực trên thị trường hiện nay thường có cafein. Những người mới uống hoặc nhạy cảm với cafein khi uống nước tăng lực có thể bị say. Các dấu hiệu như cảm thấy nôn nao, khó chịu, choáng váng đầu óc, ói mửa, tim đập nhanh, huyết áp tăng…
Nhiều người uống đã quen nước tăng lực, ban đầu uống 1-2 lon/ngày thấy đã khát và tỉnh táo. Tuy nhiên sau đó, nếu không uống, họ có cảm giác nhạt miệng và dẫn đến uống nước tăng lực thường xuyên hơn.
- Gây khó ngủ: Nếu uống vào ban đêm, khi chuẩn bị đi ngủ, bạn sẽ thấy trằn trọc và có thể gây mất ngủ.
- Béo phì, tăng huyết áp: Ngoài cafein, trong nước tăng lực còn có thành phần chính là đường. Theo thống kê của Cục Quản lý Lạm dụng chất gây nghiện và Dịch vụ sức khỏe tâm thần của Mỹ (SAMHSA), một lon nước tăng lực 250 ml có thể chứa khoảng 27,5 g đường. Nếu uống nhiều, bạn rất dễ bị thừa cân, béo phì, tăng huyết áp không kiểm soát.
- Ợ chua: Nếu đang bị các chứng bệnh về dạ dày, bạn nên cân nhắc trước khi dùng vì trong nước tăng lực có nhiều axit. Khi uống xong, chúng có thể khiến bạn cảm thấy nóng ruột gan, trào ngược axit và ợ chua liên tục.
Ai không nên uống nước tăng lực?
Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, nước tăng lực có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai sử dụng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.
Trẻ 12-18 tuổi không nên uống vượt quá 100 mg cafein/ngày. Vì vậy, trẻ em và thanh thiếu niên không nên sử dụng nước tăng lực, trừ khi có sự giám sát cẩn thận của cha mẹ.
Người trưởng thành khi chọn uống nước tăng lực nên kiểm tra nhãn để biết hàm lượng cafein. Bạn không nên uống nhiều hơn 200 mg cafein mỗi lần hay uống chung với rượu.
|
Bạn không nên uống nhiều hơn 200 mg cafein mỗi lần hay uống chung với rượu. Ảnh: Telegraph.
|
Người say rượu không nên uống nước tăng lực hay kết hợp chúng với các đồ uống có chứa chất kích thích khác (bia, rượu).
Các vận động viên tiêu thụ đồ uống tăng lực có thể cải thiện sự tập trung tinh thần, sự tỉnh táo và sức bền phần lớn thông qua tác dụng của cafein. Tuy nhiên, các thành phần khác trong nước tăng lực cần phải nghiên cứu thêm để chứng minh tính an toàn và tác dụng của chúng đối với hiệu suất. Vì vậy, các vận động viên không nên dùng nước tăng lực trong hoặc sau khi hoạt động thể chất.
Những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc bệnh thận không nên uống nước tăng lực. Lượng cafein cao vượt mức khuyến nghị trong thời gian dài có thể có nguy cơ bị các biến chứng.
Phụ nữ đang trong thai kỳ, trẻ nhỏ và người cao tuổi hoặc những người mắc các bệnh mạn tính không nên uống nước tăng lực.
Cuối cùng, những người bị dị ứng với cafein không nên uống nước tăng lực, vì chúng có chứa một lượng lớn chất kích thích này.
Sử dụng thời gian dài có gây nghiện, phụ thuộc không?
Nước tăng lực có thể mang đến một số lợi ích nhất định như giảm mệt mỏi và cải thiện hiệu suất nhưng chúng có thể liên quan các vấn đề về sức khỏe khi tiêu thụ quá nhiều. Thậm chí, chúng có thể dẫn đến nghiện nước tăng lực.
Một số dấu hiệu của nghiện nước tăng lực như: Có cảm giác thèm uống nước tăng lực mãnh liệt; hình thành trong đầu những hình ảnh về mặt tinh thần (chẳng hạn như sự sảng khoái) khi uống nước tăng lực; không thể kiểm soát được lượng nước tăng lực mà mình uống.
Đôi khi, cách đơn giản nhất để chống lại cơn nghiện nước tăng lực là thay thế nó bằng thức uống khác tương tự. Một số lựa chọn lành mạnh hơn không chứa hoặc chứa rất ít cafein, đường và chất làm ngọt nhân tạo có thể thay thế nước tăng lực là cà phê Decaf (đã loại bỏ cafein), trà xanh, nước trái cây, nước có ga không đường, trà thảo mộc, trà lên men…
Bài viết do DS Nguyễn Thanh Yến, khoa Dược, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu, Cần Thơ; sinh viên Hoàng Nguyễn Trần Hải, khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Huế; ThS.DS Võ Quang Lộc Duyên, tốt nghiệp Đại học Y Dược Cần Thơ, cung cấp thông tin.
Theo Thanh YếnTrần HảiLộc Duyên/Zing.vn