Sớm sửa đổi một số luật lệ để kinh tế tư nhân bứt phá

Google News

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng để sớm thể chế hóa Nghị quyết 68, cần sớm sửa đổi và bãi bỏ một số luật lệ, quy định.

Chia sẻ ý kiến tại tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 9/5, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhấn mạnh như trên.
Với hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, sử dụng khoảng 82% tổng số lao động. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, kìm hãm sự phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng là lực lượng kinh tế nòng cốt của đất nước.
Som sua doi mot so luat le de kinh te tu nhan but pha
Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay". Ảnh: VGP 
Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết là bước tiến đột phá về tư duy phát triển, "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế"; "bước ngoặt lịch sử" thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá… đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Kinh tế tư nhân "là một động lực quan trọng nhất, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng".
“Bức tường” điều kiện kinh doanh được phá băng
Chia sẻ về việc Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài, bà Bùi Thu Thủy, phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết, phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề "đau đáu" suốt mấy chục năm qua.
Thực tế, quá trình thực thi vẫn còn nhiều hạn chế so với kỳ vọng và tinh thần trong các nghị quyết. Như Nghị quyết Trung ương 10 từ năm 2017 đã ghi rõ nguyên tắc "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế" nhưng đến nay, thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc cụ thể hóa tinh thần đó.
Bởi vậy, khi tham gia xây dựng nghị quyết, ban đầu rất lo ngại rằng những đề xuất mạnh mẽ như vậy sẽ không được chấp thuận.
Lần này, có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, đặc biệt là bài viết của Tổng Bí thư như kim chỉ nam, tiếp thêm niềm tin và quyết tâm. Có thể khẳng định, nghị quyết lần này có tính đột phá cao hơn hẳn các lần trước.
Ví dụ như về điều kiện kinh doanh – một "bức tường" rất khó tháo gỡ – nay nghị quyết nêu rõ: chuyển toàn bộ sang công bố, không để các bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện, trừ các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh và sức khỏe người dân. Đây là một đột phá thực sự, gần như bức tường được phá băng.
Som sua doi mot so luat le de kinh te tu nhan but pha-Hinh-2
Bà Bùi Thu Thủy 
Theo bà Thủy, nghị quyết lần này khẳng định rõ ràng yêu cầu bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận nguồn lực... Không chỉ dừng ở trên nghị quyết, điều này sẽ được thể chế hóa bằng các giải pháp cụ thể. Nếu vẫn có hành vi phân biệt đối xử, người thực hiện phải chịu trách nhiệm. Bà Thủy tin tưởng, việc thực thi sẽ là yếu tố quyết định thành công.
Theo phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, lý do Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả – vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài bởi, hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng hơn 20% GDP; khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng tương đương. Trong khi đó, kinh tế tư nhân trong nước chiếm hơn 50%. Nếu mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 8% và xa hơn là tăng trưởng hai con số thì vai trò của kinh tế tư nhân là cực kỳ quan trọng. Nếu muốn đạt mục tiêu phát triển bền vững, dài hạn, khu vực tư nhân vô cùng quan trọng.
Bà Thủy cho rằng, định hướng phát triển nhanh, mạnh nhưng phải bền vững, nghĩa là không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt mà còn đảm bảo vai trò lâu dài, song hành cùng nhà nước là hoàn toàn xác đáng và cấp thiết.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã mong mỏi Nghị quyết từ rất lâu.  
Theo ông Phát, điều quan tâm nhất của doanh nghiệp là chi phí, thủ tục và thị trường, định hướng chuyển đổi xanh. Nghị quyết 68 đã truyền cảm hứng với sự "ngạc nhiên”, khi nghị quyết đã đi sát vào thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Phát khi nói về những quan tâm của doanh nghiệp cho rằng, các giải pháp đã đáp ứng được trăn trở của doanh nghiệp về chi phí, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm đầu. Đây là thời gian sinh tồn của doanh nghiệp, một cách nuôi dưỡng các doanh nghiệp. Bởi hiện doanh nghiệp đa số là nhỏ và siêu nhỏ, và thường là trên 50% khi doanh nghiệp thành lập ra 1 - 2 năm đầu khó tồn tại được. Vì thế, đây là một chính sách rất tốt.
Cùng với đó là việc tiếp cận tài đất công. Để thuê được những tài sản với chi phí phù hợp, cạnh tranh, là một điều tương đối khó khăn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian vừa qua đã dễ dàng trong việc tiếp cận, tuy nhiên họ gặp những cản trở như là tài sản thế chấp, cho vay như thế nào, định giá tài sản như thế nào, cũng như việc minh bạch về thuế như thế nào. Nghị quyết 68 có các điểm rất cởi mở, tất nhiên thời gian tới cũng cần hiện thực về quy định, thể chế để làm sao chính sách này có thể đi vào cuộc sống.
Với lĩnh vực ngân hàng, để cung cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tài sản thế chấp, định giá tài sản, vay vốn là những vấn đề đang đặt ra để tháo gỡ.
Một chủ điểm nữa là kinh tế chuỗi. Nghị quyết góp phần phát triển doanh nghiệp lớn và cùng với những chuỗi cung ứng đi theo sau đó là những doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đây là một chính sách rất đột phá. Một Nghị quyết được doanh nghiệp kỳ vọng được hiện thực hoá trong thời gian sắp tới.
Som sua doi mot so luat le de kinh te tu nhan but pha-Hinh-3
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB 
Sớm sớm sửa đổi và bãi bỏ một số luật lệ, quy định
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng để sớm thể chế hóa nghị quyết, thứ nhất phải sửa đổi hoặc bãi bỏ một số luật lệ, quy định.
Thứ hai là tiếp tục sửa đổi, bãi bỏ các quy định, trong bối cảnh hiện nay khi Chính phủ đã trình trên 30 dự thảo luật tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 này nên không thể chậm trễ thêm nữa. Những nội dung chưa đáp ứng yêu cầu của nghị quyết hoặc chưa được cập nhật trong các dự thảo luật, cần được bổ sung ngay sau khi Nghị quyết ban hành.
Thứ ba, với những quy định pháp luật mà hiện chưa trình ra Quốc hội, bây giờ mới bắt đầu triển khai. Trường hợp này có thể áp dụng một Nghị quyết của Quốc hội mang tính quy phạm để tổ chức triển khai thực hiện, dự kiến sẽ trình tại kỳ họp thứ 9. Điều quan trọng là phạm vi nghị quyết cần mở rộng để tích hợp tối đa nhóm giải pháp, vấn đề, gia tăng hiệu suất và tính thực thi của các nghị quyết do Bộ Chính trị đề ra.
Som sua doi mot so luat le de kinh te tu nhan but pha-Hinh-4
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 
Chỉ trừ những vấn đề cần thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa từng phần, còn lại phải ưu tiên đưa đầy đủ các nội dung trong dự thảo Nghị quyết để Quốc hội bàn thảo, xem xét. Tinh thần là phải tối đa hóa những nội dung của Nghị quyết số 68. Vì đối với doanh nghiệp, người dân, họ không nhất thiết hiểu chi tiết như các đại biểu Quốc hội về quy trình vận hành của hệ thống pháp luật. Họ chỉ quan tâm Nghị quyết số 68 đã nêu rõ, vậy tại sao việc thể chế hóa lại chậm chạp, chưa đi vào cuộc sống.
Ông Hiếu mong muốn việc thể chế hóa nghị quyết lần này phải thật rõ ràng, cụ thể. Đồng thời, đề nghị Nghị quyết này nhất thiết phải bao hàm một số điểm.
Cụ thể, Nghị quyết đã đề cập loại bỏ ít nhất 30% các quy định về thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ. Nếu ngay trong nghị quyết có thể quy định một danh mục phụ lục cụ thể hoàn toàn có thể hoàn thành trong vòng một đến hai tuần, yêu cầu các bộ ngành rà soát, xác định các thủ tục hành chính không còn cần thiết để loại bỏ khẩn trương. Nếu không có các danh mục, các quy định, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính cần bãi bỏ, nghị quyết sẽ khó phát huy tối đa hiệu quả.
“Thực tế, hiện nay xã hội cũng đang đặt nhiều câu hỏi về chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư, như việc tại sao vẫn còn thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, tại sao phải điều chỉnh kéo dài, có khi khiến doanh nghiệp phải chờ từ một năm cho đến nhiều năm mới hoàn thiện. Thậm chí, phê duyệt chủ trương đầu tư còn nhanh hay chậm hơn cả đầu tư xây dựng một nhà máy”, ông Hiếu nói và cho rằng, đây là bất cập cần xem xét tháo gỡ bằng những giải pháp mạnh mẽ trong nghị quyết.
Ông Phan Đức Hiếu bày tỏ mong muốn Chính phủ nên có một cơ quan chuyên môn độc lập, nâng cấp hơn nhóm tư vấn chính sách. Bởi nhiều khi chúng ta giao cho các bộ tự rà soát, tự đề xuất cắt bỏ rất khó. Cơ quan cải cách thể chế này cần phải có thẩm quyền, giúp tăng thêm một lớp sàng lọc chất lượng của quy định pháp luật.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Từ Tiến Phát mong mỏi nhất là cắt giảm và số hóa thủ tục hành chính. Dù cơ chế "xin – cho" dần được loại bỏ, nhưng khi còn yếu tố con người thì vẫn còn rủi ro. Chỉ khi số hóa, tự động hóa triệt để thì mới thực sự loại bỏ được các thủ tục rườm rà.
Cùng với đó, cần có tính nhất quán trong thực thi chính sách giữa các địa phương. Doanh nghiệp không chỉ hoạt động ở một tỉnh mà ở nhiều nơi, nếu mỗi nơi hiểu và thực hiện luật khác nhau thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, doanh nghiệp mong có sự thống nhất toàn quốc trong thực thi quy định để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hải Ninh