Ngày 9/11, bàn về dự án Luật Cảnh vệ tại cuộc thảo luận tổ, ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội – Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đặt một số vấn đề cần quan tâm.
Về đối tượng cảnh vệ, ông Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến đề nghị tăng lên, nhưng có người nói nên giảm bớt.
“Đặc biệt là sau vụ Yên Bái (vụ nổ súng ở Yên Bái - PV) rất nhiều đại biểu muốn tăng đối tượng cảnh vệ, thậm chí, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh cũng phải có cảnh vệ" - ông Việt cho biết và nhấn mạnh quan điểm nếu tăng đối tượng cảnh vệ lên thì chưa thiết thực, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế nước ta. Có ý kiến cho rằng nên giảm nhưng phương án chọn trình ra là dung hòa, tức giữ nguyên đối tượng như Pháp lệnh cảnh vệ.
|
Ông Võ Trọng Việt thảo luận tại tổ. |
“Phần lớn lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án NDTC, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đều nằm trong Bộ Chính trị rồi. Cho nên về đối tượng thì giữ nguyên như pháp lệnh là có lý, có tình" - ông Việt nói.
Đối với quyền nổ súng trong dự án Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng “quyền nổ súng” ở đây khác với quyền nổ súng trong dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Nếu luật quản lý, sử dụng vũ khí trong nổ súng sẽ có loại trừ đối tượng là phụ nữ và trẻ em thì đối tượng nổ súng trong Luật Cảnh vệ là đối tượng nguy hại đến yếu nhân.
Ông Võ Trọng Việt lấy ví dụ: “Ở Mỹ, nếu đối tượng chạy vào Nhà Trắng là tiêu diệt, không cần phải cảnh báo, phải hỏi ai”.
Tuy nhiên, vấn đề này lại đặt ra hai vấn đề đó là người được trang bị súng phải đàng hoàng, chững chạc, điêu luyện, có kiến thức, bản lĩnh kinh nghiệm để họ có thể nhận định tốt việc bắn ai hay không bắn ai, khi nào bắn, khi nào không bắn.
Nhưng ngược lại, ranh giới giữa đối tượng cần bắn và không cần bắn phải rõ ràng, vì nếu không sẽ rất dễ dẫn đến lạm quyền. “Khi được trao quyền lớn quá dễ không kiểm soát được quyền lực thì dễ lạm quyền. Ngược lại anh cũng mất thời cơ”, đại biểu đoàn Lạng Sơn phân tích.
Đối với quyền trưng mua, trưng dụng, theo đại biểu Võ Trọng Việt, chỉ có một số Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh có quyền này. “Nếu không đưa vào luật này thì anh em cảnh vệ không phát huy được công việc của mình. Ta phải nghiên cứu để giải mã không trái với luật trưng mua trưng dụng, nhưng mà phát huy được nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước”, đại biểu nêu ý kiến.
Quan điểm về tổ chức của lực lượng cảnh vệ cũng được đại biểu đưa ra. Theo ông Võ Trọng Việt, quan điểm hiện nay là không bố trí lực lượng cảnh vệ ở địa phương mà chỉ bố trí ở Trung ương. Thế nhưng, thực tế khi về huy động lực lượng tham gia thì lực lượng ở địa phương lại không được hưởng chế độ như cảnh vệ dù làm việc như cảnh vệ. Nhưng việc tổ chức cảnh vệ ở một số địa phương thì biên chế lại phình ra. Do đó, ông Võ Trọng Việt cho rằng cần nghiên cứu chế độ chính sách đối với lực lượng ở địa phương được huy động làm nhiệm vụ cảnh vệ./.
Theo Việt Đức/ VOV.