Có lẽ chưa bao giờ câu chuyện về thực phẩm bẩn, thực phẩm kém an toàn lại rầm rộ như bây giờ. Cư dân đô thị có thêm một sự lo toan về sự an toàn của chính mình và người thân.
Nếu chỉ cách đây chục năm, người ta chọn gì cũng phải đẹp mắt, những món quà quê bị coi thường bởi vẻ ngoài xấu xí, xù xì, không tươi ngon, sạch sẽ. Người người tìm mua những đồ thành thị vì cho rằng đó là ngon nhất, chuẩn nhất. Nhưng thời buổi ngày nay, khi người tiêu dùng dù thông minh đến đâu cũng không thể chắc chắn thứ mình mua ngoài chợ thậm chí là siêu thị chắc chắn là thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn thì sản vật ở quê chuyển ra lại trở nên quý giá.
Có rất nhiều cư dân đô thị ngày nay chọn giải pháp sống chung với lũ. Họ hoặc là tìm mua những vật dụng được cho là có thể phát hiện các chỉ số không an toàn của thực phẩm, hoặc là tăng cường các biện pháp giải độc tố bằng các loại máy bán nhan nhản ngoài thị trường hay áp dụng các phương pháp ngâm rửa kiểu dân gian.
Đó là những người tiêu dùng cố gồng mình lên để đối phó với các nguy cơ. Họ có thể không dám chắc được tất cả những biện pháp loại trừ và lựa chọn của mình là đúng đắn, nhưng ở mặt tinh thần họ cảm thấy yên tâm hơn khi đã áp dụng mọi cách thức để đạt được sự an toàn cho cả mình bỏ vào miệng. Đó là chuyện thực phẩm sạch bẩn với những nỗi lo ám ảnh con người. "Ra đường ăn là chết", nhiều người rỉ tai nhau điều đó. Sợ hãi là nỗi lo thường trực khi con người ta bước ra khỏi cánh cửa mỗi ngày.
|
Con người ta cứ đối diện với những nỗi lo sợ của mình, vô hình chung chẳng dám làm gì cho bản thân (Ảnh minh họa) |
Tưởng đó chỉ là chuyện của người già. Nhưng các bà mẹ trẻ lại bị ám ảnh bởi nỗi lo còn khủng khiếp hơn. Đó chính là ám ảnh của sữa mẹ. Ai cũng biết, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất cho trẻ. TV, báo đài, lúc nào cũng ra rả những câu chuyện ca ngợi sữa mẹ. Đó là điều hiển nhiên, không ai dám chối cãi. Sữa mẹ ngoài vô hình đóng vai trò là sợi dây gắn kết tình mẫu tử thì hữu hình là nguồn dinh dưỡng an toàn cho trẻ nhỏ.
Nhưng, không phải người phụ nữ nào cũng may mắn có được nguồn sữa thiên nhiên từ trong cơ thể mình một cách đầy đủ. Và vô tình, chính những câu nói của người đời rằng đứa trẻ không có được ăn sữa mẹ khác gì trẻ mồ côi, rằng sữa công thức là sữa thú, con ăn sẽ bất hạnh... Đủ các lời khó nghe được truyền tai nhau để ca ngợi sữa mẹ, lật tẩy sữa công thức. Nhưng, họ có biết đâu, đã biến biết bao bà mẹ không có đủ nguồn sữa vào nỗi bất hạnh khó nói. Họ bất hạnh khi đứng giữa cuộc chiến nội tâm, cuộc chiến cả bên ngoài, bên này là sức ép nội tâm, bên kia là sức ép của người thân như chồng và mẹ chồng.
Những bà mẹ hiếm sữa khi bất đắc dĩ phải cho con những sản phẩm phụ trợ bên ngoài bỗng thấy mình có lỗi. Bởi sữa kia, thực phẩm ấy chắc gì đã là hàng thật và an toàn. Sinh con, nuôi con đã mệt, lại thêm áp lực tâm lý sữa mẹ, không biết bao nhiêu bà mẹ ngoài kia chìm trong nỗi sợ hãi không có sữa cho con, chìm trong ám ảnh "mẹ thú".
Thơ bé cần sữa mẹ đã thế, khi trẻ lớn lên nhiều bà mẹ vẫn phong kín con vào trong vòng kim cô an toàn của chính mình. Con cái được cách ly với không gian ô nhiễm bên ngoài một cách thận trọng, bởi thế mà ngày càng có nhiều trẻ em lồng kính do bố mẹ tạo ra.
Người xưa có câu “Nhà giàu sứt tay bằng ăn mày đổ ruột”, câu ấy hàm chứa một thực tế có phần phổ biến. Những đứa trẻ ở thôn quê, lớn lên như cây cỏ, nghịch đất thậm chí là ăn đứt có sức đề kháng với môi trường cực tốt. Còn trẻ thành phố, những đứa trẻ lồng kính được bố mẹ đóng vai siêu nhân bảo vệ luôn yếu ớt trước bệnh tật và sự xâm nhập của virut.
Cuộc sống đô thị ngày càng nhiều mối lo toan. Nhưng có những người chưa đối mặt với sự hủy hoại từ những thứ mình đưa vào dạ dày đã phải đối mặt với sự hủy hoại từ những thứ mình đưa vào đầu. Đó là sự sợ hãi và nỗi lo nghi ngờ với mọi thứ xung quanh.
Gồng lên để sống, gồng lên để tin rằng sự cố gắng của mình là sự lo toan tốt nhất đã khiến cho không ít người đổ gục bởi chính sự căng thẳng do bản thân mình tạo nên. Những điều tốt đẹp không phải đã là hoàn mỹ, đôi khi, con người ta cũng cần những thứ thiếu sót để trưởng thành.
Theo Hồ Viết Thịnh /Khám Phá