Sau ‘bỏ sổ hộ khẩu’ là gì?

Google News

“Bỏ sổ hộ khẩu” sẽ kéo theo yêu cầu buộc phải rà soát và sửa đổi hàng loạt các quy định có liên quan...

Cùng với cải cách thủ tục hành chính xung quanh cuốn sổ hộ khẩu, liệu tiếp theo chúng ta có lộ trình dỡ bỏ những rào cản dẫn đến sự khác biệt về quyền lợi giữa các đối tượng thường trú và tạm trú?
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng của Bộ Công an. Trong đó, nội dung được quan tâm nhất là việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Đông đảo người dân bày tỏ sự ủng hộ nhưng cũng có không ít lo lắng, băn khoăn. Sáng ngày 7/11, Bộ Công an đã có buổi họp báo để đưa ra những thông tin chính thức.
Với ý kiến của lãnh đạo Bộ này, “bỏ sổ hộ khẩu” thật ra là sự thay đổi phương tiện quản lý dân cư theo hướng hiện đại hơn, áp dụng tiến bộ công nghệ, và chưa tiến hành ngay mà dự kiến đến năm 2020. Điều này không đồng nghĩa với sự nới lỏng hoặc bãi bỏ hoạt động quản lý dân cư theo chế độ hộ khẩu như nhiều người hình dung ban đầu.
Có thể nói đây là một bước tiến lớn, đáng ghi nhận trong hoạt động quản lý dân cư, từ phương thức thủ công, cơ học, máy móc sang chiều hướng linh động, hiện đại và khoa học hơn. Theo đó, những rườm rà, rắc rối về các loại giấy tờ liên quan, nạn quan liêu, cửa quyền “ký sinh” theo hộ khẩu sẽ dần được giảm bớt. Dù chưa biết kết quả sẽ ra sao, nhưng trước mắt, chỉ cần thủ tục hành chính “bớt hành”, dân đã đủ lý do để mừng.
Ở một khía cạnh khác, đây là một bước tất yếu trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, vốn gắn bó chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính.
Sau ‘bo so ho khau’ la gi?
 Ảnh minh họa: Phạm Hải
Tuy nhiên, chắc hẳn rằng cải cách hành chính không đơn thuần là việc bỏ đi, loại ra một hay một vài giấy tờ nào đó. Nó chỉ có thể đi đến cái đích là đem đến sự tiện lợi, bảo đảm quyền của người dân khi đồng hành với đó là sự đổi mới thực sự trong tư duy quản lý.
Trong trường hợp này cũng vậy. Dư luận quá phấn khích với thông tin bỏ đi một loại giấy tờ mang cho họ quá nhiều phiền phức nhưng lại quên rằng, sổ hộ khẩu thật sự không tạo nên điều đó. Sổ hộ khẩu đơn thuần chỉ là một công cụ biểu hiện cho một lối tư duy quản lý dân cư lạc hậu. Gốc của vấn đề nằm ở cách các cơ quan công lực gán ghép và đồng nhất công cụ quản lý dân cư với điều kiện để người dân thực hiện quyền. Vì thế, sổ hộ khẩu từ vai trò là công cụ quản lý dân cư, đảm bảo quyền cư trú lại trở thành rào cản tiếp cận quyền của người dân.
Do vậy, một vấn đề nhiều người đặt ra là, cùng với cải cách thủ tục hành chính xung quanh cuốn sổ hộ khẩu, liệu tiếp theo chúng ta có lộ trình dỡ bỏ những rào cản dẫn đến sự khác biệt về quyền lợi giữa các đối tượng thường trú và tạm trú? Như trong một bài báo năm 2016, PGS-TS Võ Trí Hảo, người nhiều năm trăn trở với vấn đề bỏ sổ hộ khẩu, từng phân tích: “Cần phân biệt rõ khái niệm hộ khẩu là gì. Theo đó, có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là để quản lý cư trú, khía cạnh thứ hai là gắn hộ khẩu với những quyền lợi được hưởng tại địa phương nơi sinh sống. Theo tôi, ở khía cạnh thứ hai mới đáng phản đối.” Do đó theo ông Hảo: “Bỏ ở đây là bỏ hộ khẩu theo khía cạnh thứ hai chứ không phải bỏ quản lý cư trú, vì như bỏ quản lý cư trú thì biết người dân sống ở đâu”[1].
Quản lý dân cư là hoạt động tất yếu của nhà nước, song nó phải được vận hành trên nền tảng tư duy tôn trọng và bảo đảm quyền của người dân. Dữ liệu quản lý dân cư giúp cho nhà nước xây dựng tầm nhìn, chiến lược và hoạt động nhằm bảo đảm tối đa quyền của công dân. Đây nên được xem là là tôn chỉ để lựa chọn phương thức quản lý và áp dụng vào hoạt động cải cách.
Hơn nữa, cải cách phải được thực hiện một cách đồng bộ, cả về mặt con người lẫn hệ thống quy định.
Về mặt con người, cần phải có sự thống nhất trong đội ngũ công chức thừa hành về tinh thần của cải cách. Thực trạng cho thấy, nếu Trung ương chỉ đạo, nhưng địa phương "bình chân như vại" thì doanh – dân chịu khổ.
Về mặt hệ thống quy định, số lượng thủ tục hành chính có liên quan đến sổ hộ khẩu hiện nay vô cùng lớn. Nó dường như gắn trọn với vòng đời một con người, từ khi sinh ra đến khi ra đi. Từ thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, tình trạng hôn nhân, giám hộ, hộ tịch, nuôi con nuôi, chứng thực di chúc, xác nhận hộ nghèo, dạy nghề cho người nghèo, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp xã hội, xác nhận học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để được vay vốn tín dụng, chứng thực hợp đồng thế chấp, hồ sơ đề nghị kinh phí mai táng...
“Bỏ sổ hộ khẩu” sẽ kéo theo yêu cầu buộc phải rà soát và sửa đổi hàng loạt các quy định có liên quan. Vì nếu không có sự đồng bộ trong cách thức triển khai, hậu quả xã hội sẽ khó lường, có nguy cơ khiến người dân từ trạng thái "khó tiếp cận quyền" thành "không tiếp cận" được quyền, vì thiếu hộ khẩu.
Hy vọng với quyết tâm cao độ, Chính phủ sẽ có được tầm nhìn dài hạn và có lộ trình hợp lý trong việc thực thi chính sách hợp lòng dân.
Cuộc khảo sát do Ngân hàng thế giới và Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông công bố ngày 16/6/2016 đã cho thấy, có ít nhất 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú ở nơi cư trú, trong đó tỉ lệ ở TP.HCM lên tới 36% dân cư, còn tại Hà Nội là 18%. 70% người dân được khảo sát cho rằng, cuốn sổ này làm hạn chế quyền lợi, khiến họ không bình đẳng với người có hộ khẩu thường trú và tạo cơ sở cho tiêu cực, tham nhũng.
Sổ hộ khẩu xa lạ với nhiều quốc gia tiên tiến, VTV.vn,17/06/2016.

Theo Lưu Minh Sang/Vietnamnet