Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Trong đó, đáng lưu ý nhất là việc Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy CMND trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ.
|
Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm. |
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm đã nêu ý kiến xung quanh Nghị quyết 112 của Chính phủ về việc đồng ý bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Thượng tướng Tô Lâm cho biết, việc Chính phủ quyết định bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân... là nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân nhưng "chắc chắn phải có quản lý".
Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh, về quản lý sau khi cắt giảm các thủ tục thì sẽ có cách, biện pháp quản lý cụ thể.
"Biện pháp thì sẽ có biện pháp, cách quản lý nhưng giấy tờ thì sẽ đơn giản hoá tối đa về thủ tục chứ không phải bỏ giấy tờ nghĩa là bỏ quản lý. Nguyên tắc cơ bản nhất là thế còn hình thức thì rất nhiều", Thượng tướng Tô Lâm cho hay.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin thêm, Bộ sẽ có họp báo để thông tin đầy đủ và trả lời tất cả những câu hỏi đặt ra liên quan đến việc bỏ các giấy tờ.
"Chiều nay hoặc chiều mai, Bộ sẽ mời các cơ quan báo chí đến, có gì cần tìm hiểu, thắc mắc thì sẽ trả lời hết", Bộ trưởng nói.
Trước đó, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An khẳng định, chủ trương bỏ sổ hộ khẩu là rất hợp lý.
Cụ thể, bỏ bớt giấy tờ thủ tục cho dân để hoạt động nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, không ảnh hưởng gì đến vấn đề quản lý của nhà nước.
"Dân các tỉnh đổ về thành phố đều kiểm soát được hết chứ không vướng mắc gì và sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho dân, cho nhà nước, từ tiền công làm sổ hộ khẩu, giấy để in sổ…Khi mà chuyển đổi bỏ cái cũ sang cái mới bao giờ cũng cần có thời gian nhưng với quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an thì việc này chắc chắn sẽ được triển khai sớm, để cho vấn đề quản lý xã hội một cách hiện đại, hiệu quả", ông Cầu nói.
Theo Nghị quyết 112, người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ không phải dùng CMND nữa, mà sẽ chỉ còn thẻ căn cước công dân. Trong đó, số thẻ căn cước cũng đồng thời là số định danh cá nhân.
Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Thông tin chứa đựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Số định danh cá nhân, ảnh, họ và tên, tên thường gọi, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, số CMND, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số hộ chiếu, họ tên cha, họ tên mẹ, tình trạng hôn nhân, họ tên vợ hoặc chồng, họ tên con, ngày tháng năm mất. Như vậy, với 22 nội dung này, cơ sở số về dữ liệu cá nhân sẽ cung cấp mọi thông tin về một cá nhân từ khi họ chào đời cho tới khi mất.
Hải Ninh