Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, việc lắp cân và camera giám sát tại mỏ khoáng sản đã được quy định rất rõ. Nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm thì phải thu hồi giấy phép.
Giám sát, thanh tra lỏng lẻo?
Báo Tri thức và Cuộc sống vừa đăng tải bài viết “Sai phạm các mỏ khoáng sản ở Quảng Ninh: Hiện trường làm trái quy định” phản ánh về tình trạng nhiều mỏ khoáng sản tại tỉnh Quảng Ninh không tuân thủ các quy định pháp luật về Luật Khoáng sản, trong đó hành vi không lắp cân, camera giám sát tại mỏ gây nguy cơ thất thoát tài nguyên và ngân sách nhà nước.
Tham gia tư vấn, phản biện về nội dung phản ánh này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: “Khoáng sản là nguồn tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá. Do đó, việc khai thác khoáng sản phải nằm trong quy hoạch, có kế hoạch khai thác rõ ràng, minh bạch, đúng với quy định của pháp luật. Khoáng sản không phải là vô tận mà chỉ hữu hạn, việc khai thác bừa bãi, vô tội vạ, vô trách nhiệm theo kiểu tận thu thì sẽ đến một giai đoạn khoáng sản Việt Nam sẽ không còn nữa”.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, tình trạng khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản trên đất liền hiện này có diễn biến khá phức tạp do nhu cầu nguồn khoáng sản, vật liệu xây dựng lớn. Khai thác khoáng sản cũng là ngành nghề có điều kiện nên phải bảo đảm được các quy định, quy trình chặt chẽ.
|
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. |
“Thực tế Chính phủ, các Bộ ban ngành đã ban hành rất nhiều Nghị định, Thông tư và các văn bản dưới luật liên quan đến công tác quản lý, khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập”, đại biểu Phạm Văn Hóa nói và cho rằng, mặc dù quy định đã rõ, nhưng quá trình tổ chức thực hiện và công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và cấp phép của cơ quan chuyên môn đối với khoáng sản vẫn còn lỏng lẻo. Nhiều trường hợp không được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, gây thất thoát tài nguyên quốc gia.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: Đối với những trường hợp đã được cơ quan chức năng xem xét, hướng dẫn thủ tục khai khoáng thì phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, trong đó có quy định về việc lắp đặt xong cân và camera giám sát. Chỉ khi thực hiện đầy đủ những yêu cầu, đáp ứng các điều kiện thì mới cấp phép khai thác khoáng sản. Tránh trường hợp “hứa hẹn” rồi “quên” lắp trong khi tài nguyên khoáng sản vẫn cứ khai thác mà không được giám sát, gây nguy cơ thất thoát.
“Vấn đề này thuộc về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương, cụ thể là Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh nơi có hoạt động khai thác khoáng sản”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói và cho rằng: “Quy định lắp cân và camera giám sát tại mỏ khoáng sản đã được quy định rất rõ. Nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm thì phải thu hồi giấy phép. Cần phải xử lý nghiêm minh, tránh dư luận đặt vấn đề các doanh nghiệp là ‘sân sau’ của một số tổ chức, cá nhân nào đó hoặc có sự bao che đối với những vi phạm trong khai thác khoáng sản”.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho biết, theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp tới, Quốc hội sẽ thảo luận Luật khoáng sản và Địa chất. Từ đây, các quy định sẽ được rành mạch, rõ ràng, có tính pháp lý cao hơn để quy định chi tiết những điều được làm, điều không được làm và những điều cấm trong khai thác khoáng sản nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia.
Chống thất thu ngân sách
Liên quan đến yêu cầu bắt buộc lắp đặt trạm cân, camera tại các khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường lộ thiên, đã được phê duyệt trữ lượng khai thác, nhiều ý kiến cho rằng còn mang tính hình thức, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Việc quản lý, giám sát trạm cân chủ yếu do đơn vị tự thực hiện để tự kê khai sản lượng khai thác, chưa có hướng dẫn cụ thể về hình thức giám sát, cơ quan giám sát nên không phát huy hiệu quả.
Ý kiến trên cũng đã từng được cử tri gửi đến và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sửa đổi quy định trên theo hướng: không áp dụng việc lắp đặt trạm cân, camera đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhỏ lẻ, tại những nơi không đủ điều kiện như quá xa trạm biến áp, thường xuyên bị ngập lụt, ven sông, ven suối,... Những nơi nhất thiết phải lắp đặt trạm cân và camera thì cần có hướng dẫn cụ thể quy cách, mẫu mã, chủng loại phù hợp cho từng loại khoáng sản và quy định rõ hình thức giám sát, cơ quan trực tiếp giám sát, hình thức lưu giữ số liệu… nhằm phát huy hiệu quả sử dụng của trạm cân, hệ thống camera và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
|
Nhiều mỏ khoáng sản ở Quảng Ninh không hoặc chưa lắp cân và camera giám sát tại mỏ. |
Phản hồi ý kiến cử tri, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản quy định các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Quy định này nhằm kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân, ngăn chặn tình trạng khai báo sai thực tế sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng tháng khi kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường của nhiều tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong thời gian qua, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Ngày 22/12/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT quy định quy trình, phương pháp và các mẫu biểu xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế. Theo đó, việc xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản thông qua các các tài liệu, hồ sơ liên quan như: thiết kế mỏ, khoan nổ mìn, bốc xúc, vận tải mỏ, bản đồ cập nhật hiện trạng mỏ, mặt cắt hiện trạng mỏ, chứng từ sổ sách kế toán, số liệu qua trạm cân đặt tại mỏ…
“Như vậy việc lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là cần thiết và đúng với nội dung đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT”, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Như Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh: Hiện nay nhiều mỏ khoáng sản, dự án hạ cốt nền tận thu đất, đá làm vật liệu thông thường (cấp giấy phép khai khoáng) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như: Mỏ đất Trới 2 (TP. Hạ Long), Mỏ sét Xuân Cầm (TX. Đông Triều), mỏ đất Trí Đức, mỏ quặng pyrophylit (huyện Hải Hà)... không lắp trạm cân, camera giám sát, không tuân thủ Nghị Định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ và Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường gây nguy cơ thất thoát tài nguyên khoáng sản và thất thu ngân sách nhà nước.
>>>
Mời độc giả xem thêm video Khai thác khoáng sản 'bỏ quên' lợi ích người dân (Nguồn: VTV24):
Thiên Tuấn