Ngay buổi đầu giờ làm việc sáng 25/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm Trưởng ban kiểm phiếu cho biết, có 8 loại phiếu được phát đến các đại biểu Quốc hội để lấy phiếu tín nhiệm.
Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín theo 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Việc tổng hợp phiếu và phân tích kết quả phiếu sẽ được thực hiện toàn bộ bằng máy.
Đến 9h sáng cùng ngày, các đại biểu Quốc hội đã hoàn tất việc bỏ phiếu tín nhiệm đối 48 chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu, phê chuẩn bằng bỏ phiếu kín.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: VGP |
Theo quy định tại điều 18, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Theo danh sách, có 48 người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa được bổ nhiệm tại kỳ họp này nên chưa đủ thời gian công tác theo quy định để lấy phiếu tín nhiệm.
Trao đổi với báo chí về lấy phiếu tín nhiệm, một lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết, phiếu tín nhiệm dành cho từng khối sẽ có màu sắc khác nhau để thuận tiện cho việc kiểm phiếu theo từng khối. Trong mỗi lá phiếu sẽ có 3 ô: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp để các ĐBQH đánh giá. Việc tổng hợp phiếu và phân tích kết quả phiếu sẽ được thực hiện toàn bộ bằng máy. Khi công bố kết quả, Quốc hội sẽ mời tất cả Bộ trưởng, trưởng ngành, gồm cả người không phải ĐBQH) đến nghe kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Đây là lần thứ ba Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Hai lần trước được thực hiện liên tục trong các năm 2013 và 2014. Trong hai lần lấy phiếu tín nhiệm đó, chưa có trường hợp nào có kết quả quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” để có thể xin từ chức theo quy định hay từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.
Chiều ngày 25/10, Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Hải Ninh