Theo chương trình làm việc kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XIV, ngày 25/10, Quốc hội tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.
Buổi sáng 25/10, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Buổi chiều cùng ngày, Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
|
Ngày 25/10, Quốc hội tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Ảnh: Quochoi.vn |
Trước đó, ngày 24/10, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Ngay sau đó, 100% đại biểu Quốc hội có mặt đã biểu quyết bằng hệ thống điện tử tán thành danh sách 48 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội cũng thảo luận ở đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Theo quy định tại điều 18, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Theo danh sách, có 48 người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa được bổ nhiệm tại kỳ họp này nên chưa đủ thời gian công tác theo quy định để lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Theo quy định, việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được thực hiện tại kỳ họp cuối năm thứ 3 mỗi nhiệm kỳ. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với 3 mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
Tại Điều 18 Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015, nêu rõ, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Tại mục 3 Điều 19 về Bỏ phiếu tín nhiệm cho rằng, người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá không tín nhiệm thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức đối với người đó.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 24/10, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho biết, những đại biểu có tín nhiệm thấp sẽ phải có những chương trình hành động cụ thể khắc phục được điểm bất cập, hạn chế của mình trong trong các lĩnh vực phụ trách.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) đánh giá, các đại biểu Quốc hội đã có sự chuẩn bị để bỏ phiếu tín nhiệm đối với những đại biểu thực sự công tâm khách quan, vô tư, trung thực để không ảnh hưởng đến những vị trí đại biểu đã được bầu ra.
“Các đại biểu Quốc hội sẽ đánh giá các thành viên được lấy phiếu tín nhiệm dựa trên cơ sở các hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến nay về những vấn đề được cử tri quan tâm, được Quốc hội xem xét đã được hồi đáp ra sao, đã làm được gì và chưa làm được gì… Ngoài ra, đó còn là một kênh thông tin giúp các đại biểu đánh giá được mức độ tín nhiệm qua ý kiến của đông đảo các cử tri trên cả nước. Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu tin nhiệm với tinh thần thẳng thắn, khách quan và công tâm nhất”, ông Hòa nói.
Hải Ninh