Trong khi vụ lùm xùm về biệt thự của phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại huyện Thống Nhất chưa được xử lý thì phóng viên lại tiếp tục phát hiện việc một “quan” xã của huyện này xây biệt thự không phép.
Hoành tráng
Đó là biệt thự của ông Trần Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất. Căn biệt thự của ông Danh nằm trong con hẻm có treo biển “đạt chuẩn nông thôn mới”, cách Quốc lộ 1 vài km tại ấp Ngô Quyền.
Giữa tháng 4, chúng tôi tiếp cận căn biệt thự khi 2 cánh cửa cổng bằng gỗ cao khoảng 4 m, rộng 5 m luôn đóng kín. Bên trong là cụm công trình hoành tráng được xây trên diện tích khoảng 2.000 m2 được bao bọc bởi một bức tường cao 4 m. Đứng trên đường không thể thu hết khuôn cửa vào ống kính máy ảnh, chúng tôi phải bước xuống vườn chuối mới có thể chụp hình. Qua các song cửa bên cạnh, chúng tôi nhìn vào bên trong, ở giữa là căn nhà gỗ lớn, bên cạnh là các căn nhà bằng gỗ khác nhỏ hơn, nhiều bể cá, lồng chim, cây cảnh, hòn non bộ,… và nhiều hạng mục còn dang dở, đang tiếp tục hoàn thiện.
|
Cửa cổng biệt thự bằng gỗ của ông Trần Văn Danh. |
Biệt thự của ông Danh được ông và con trai xây vào khoảng cuối năm 2015 trên khu đất do ông Danh đứng tên. Đây là đất thuộc quy hoạch khu dân cư, người dân có thể xây nhà ở nhưng trước đó phải làm thủ tục và nộp phí chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở. Tuy nhiên, ông chủ tịch xã đã không làm thủ tục chuyển đổi mà cho xây dựng công trình hoành tráng.
Một số người dân tại ấp Ngô Quyền cho hay việc ông chủ tịch UBND xã xây biệt thự hoành tráng và rất “kiểu cách” đã gây nhiều thắc mắc trong nhân dân về việc có hay không việc xây dựng công trình không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng (!?). “Người dân bức xúc vì nhiều vụ việc cán bộ xây nhà không phép không được xử lý đến nơi đến chốn. Trong khi đó, người dân chỉ vi phạm nhỏ là bị xử lý, làm thủ tục có khi còn bị hành lên hành xuống…” - một người dân nói.
Nhận sai!
Để làm rõ việc xây dựng không phép, chúng tôi tìm gặp ông Trần Văn Danh. Sau nhiều lần không liên lạc được, chúng tôi đã gặp ông tại UBND huyện. Ông Danh thừa nhận thửa đất trên do ông mua, gia đình ông và con trai cùng xây dựng, sửa sang. “Chúng tôi xây khu nhà ở đó để nghỉ ngơi, thực tế khắp vùng này cũng cư xử theo tình nghĩa là chính vì vùng xa nên chưa quản lý chặt chẽ, ai có đất thì cũng xây căn nhà để ở, quản lý tài sản và sinh hoạt…” - ông Danh phân trần.
Trong khi đó, quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận được thông tin sau khi vụ biệt thự của gia đình ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, xây không phép trên địa bàn được khui ra thì nhiều quan chức trong huyện có biệt thự, nhà vườn có dấu hiệu sai phạm cũng đang tìm cách đối phó. Riêng khu đất có biệt thự của ông Danh, chúng tôi cũng nhận được thông tin ông nhờ vào quan hệ thân thuộc với lãnh đạo UBND huyện nên đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng hoặc chuyển đổi trong vòng vài ngày để hợp thức hóa hoặc “né tránh” dư luận. Tuy nhiên, ông Danh không xác nhận điều này và chúng tôi cũng đã nhiều lần tiếp cận các bộ phận chuyên môn của huyện Thống Nhất nhưng vẫn chưa thể làm rõ. Nhiều người dân cho biết ngoài căn biệt thự trên, ông Danh còn có một căn nhà ở nơi khác và thửa đất ông dùng xây biệt thự là ranh giới tiếp giáp giữa quy hoạch đất nông nghiệp và đất ở và “chỉ nhờ một thế lực nào đó mới có thể “ghép” vào quy hoạch đất ở”.
Theo tìm hiểu, ông Danh chính là em ruột của Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, ông Trần Văn Chiến. Trong lúc gặp ông Danh, chúng tôi cũng đồng thời gặp ông Chiến tại UBND huyện và ông Nguyễn Đình Hà, Giám đốc Trung tâm Đo đạc huyện Thống Nhất.
Trao đổi với phóng viên, ông Chiến thừa nhận ông Danh là em mình nhưng cho biết “không biết việc xây biệt thự của em như thế nào”. “Tình trạng chung ở huyện là làm việc theo pháp luật nhưng bên cạnh đó cũng còn nặng mặt tình nghĩa, thông cảm lẫn nhau…” - ông Chiến nói. Còn ông Hà thì cho biết với bản đồ trong tay, bước đầu xác định vị trí đất của ông Danh nằm trên đất nông nghiệp nhưng được quy hoạch đất ở, trong trường hợp xây dựng thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Ông Danh thừa nhận gia đình mình đã thực hiện việc xây dựng khi chưa chuyển đổi mục đích và thừa nhận sai phạm.
Luật sư Trần Cao Đại Ký Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, khẳng định trường hợp có sai phạm rõ ràng trước đó nhưng bằng cách nào đó, chủ sử dụng đất “lách” được, tức làm thủ tục chuyển nhượng đất hoặc chuyển đổi đất thì việc xây dựng công trình trên đất trước đó vẫn là sai phạm và bản chất không thay đổi.
“Nếu có sự chuyển nhượng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất một cách cấp tốc thì công trình trên đất xây dựng trước đó vẫn là vi phạm và tính chất, hành vi của người thực hiện trước đó nếu được thanh tra làm rõ thì vẫn giữ nguyên bản chất” - luật sư Quân nói.
Theo Xuân Hoàng/Người lao động