Video: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thị sát công trình metro TP HCM sáng 29/6.
Đoàn công tác của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu sáng 29/6 cùng lãnh đạo TP HCM đã đi thực tế khảo sát tại dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
|
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (bìa trái) cùng Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nghe Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Bùi Xuân Cường thuyết minh về dự án metro số 1 sáng 29-6 . |
Điểm đến đầu tiên của đoàn công tác là tại nhà ga đối diện Khu Công nghệ cao (quận Thủ Đức) - một trong 11 nhà ga thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và Depot), sau đó di chuyển qua ga Ba Son và đi dọc qua đoạn ngầm đến ga Nhà hát TP, thuộc gói thầu CP1b của dự án.
|
Đoàn công tác di chuyển qua ga Ba Son và đi dọc qua đoạn ngầm đến ga Nhà hát TP, thuộc gói thầu CP1b của dự án. |
Ông Bùi Xuân Cường,
Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, cho biết toàn tuyến metro số 1 hiện đạt 73,5% khối lượng, theo kế hoạch sẽ nâng lên 85% cuối năm nay.
Trong đó với gói thầu CP2, hiện tổng khối lượng đã đạt 84,3%. Trong số 11 nhà ga trên cao thuộc gói thầu này, hiện 10 ga đã hoàn thành lợp mái cùng các hạng mục cơ bản. Còn tại đoạn ngầm ga Ba Son đến ga Nhà hát TP, hiện cũng đạt 84,5% khối lượng.
|
Trong số 11 nhà ga trên cao thuộc gói thầu này, hiện 10 ga đã hoàn thành lợp mái cùng các hạng mục cơ bản. |
Kế hoạch từ tháng 4, đoàn tàu metro số 1 sẽ nhập về Việt Nam và cho chạy thử ở đoạn trên cao từ Bình Thái (quận Thủ Đức) về Depot Long Bình (quận 9).
Tuy nhiên theo ông Bùi Xuân Cường, ảnh hưởng dịch Covid-19, hiện có 87 chuyên gia nước ngoài làm việc cho dự án chưa được nhập cảnh vào Việt Nam, đồng nghĩa tàu metro cũng bị chậm tiến độ nhập về do phải có chuyên gia đi cùng.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lập tức chỉ đạo gấp rút gỡ vướng, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
|
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lập tức chỉ đạo gấp rút gỡ vướng nhanh chóng cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại dự án nhâp cảnh, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. |
Cũng tại buổi kiểm tra, lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đường sắt đô thị kiến nghị Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thống nhất với UBND TP HCM về việc xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại của dự án bằng tiền Yên, từ đó quy đổi tương đương qua tiền Việt Nam.
Đồng thời chấp thuận để dự án giải ngân theo hạn mức vốn ODA cấp phát còn lại đã được xác định với mức 17,814 tỉ Yên.
|
Tầng B1 ga Nhà hát TP đã cơ bản hoàn thiện. |
Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét phân bổ tiếp vốn ODA cấp phát trong hạn mức vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa bố trí cho dự án là 3.676,695 ti đồng.
Trường hợp giải ngân không kịp số vốn dự kiến bố trí năm 2020, kiến nghị trung ương điều chuyển số kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương còn lại của kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn năm 2021 giải ngân cho dự án.
Theo chương trình, chiều nay Phó Thủ tướng sẽ làm việc với UBND TP HCM về các dự án ODA.
Theo quy hoạch, TP CM có 8 tuyến metro với chiều dài khoảng 220 km. Hiện nay, TP đang tập trung triển khai thi công dự án metro đầu tiên - tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Tuyến này sẽ kết nối khu vực trung tâm TP với khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.
|
Toàn tuyến metro số 1 hiện đạt 73,5% khối lượng, theo kế hoạch sẽ nâng lên 85% cuối năm nay. |
Theo ông Bùi Xuân Cường, hiện TP HCM cũng đang tập trung hoàn thành các thủ tục nhằm triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị thứ 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương) và dự án metro số 5 (cầu Sài Gòn đi Bến xe Cần Guộc mới). Sau khi hoàn thành, các tuyến này sẽ liên kết tạo thành tam giác trung tâm phục vụ khoảng 20% nhu cầu đi lại của người dân TP.
Theo NLĐ