Tôi không ủng hộ việc bán dâm để kiếm sống
Trong nhìn nhận của bà, hoạt động quản lý mại dâm của ta những năm qua đã tốt chưa?
Tình hình mại dâm và các hoạt động nhạy cảm theo báo cáo của các nơi chưa giảm so với các năm trước, năm 2015 không giảm so với năm 2014. Không những vậy, loại hình hoạt động còn đa dạng hơn, phức tạp hơn khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Trước đây, chỉ có một loại hình nhưng hiện nay các hoạt động mại dâm, mại dâm trá hình xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, xuất hiện ở cả trong nước và ngoài nước. Đặc biệt là những thành phố lớn, những trung tâm du lịch, kinh tế như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
|
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An. |
Từ trước tới nay chúng ta luôn cấm các hoạt động mại dâm, tại sao vấn đề này vẫn có xu hướng tăng?
Nhà nước ta đã thi hành hàng loạt những biện pháp nhằm ngăn chặn và hạn chế hoạt động này. Từ công an, nhà trường tới toàn xã hội đã vào cuộc nhưng khi nhu cầu có thì nguồn cung cũng theo đó mà có, khó có thể ngăn chặn được. Không thể nói công tác quản lý ta kém mà chúng ta chưa tìm ra những biện pháp quản lý tốt, dứt điểm tình trạng này.
Mới đây, ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất lập “phố nhạy cảm” để hạn chế mại dâm. Quan điểm của bà với đề xuất này?
Trước hết phải khẳng định tôi là phụ nữ Á Đông nên không bao giờ ủng hộ việc phụ nữ bán dâm để kiếm sống. Tuy nhiên, dù tôi có ủng hộ hay không thì vấn nạn nó vẫn tồn tại, thậm chí còn diễn biến hết sức phức tạp. Vấn đề đặt ra là công tác quản lý, nếu quản lý không hết như hiện nay sẽ gây tác động xấu cho xã hội. Theo ý kiến của tôi, tôi ủng hộ việc gom các hoạt động này lại để chúng ta có thể quản lý một cách tốt hơn.
Gom lại để quản lý tốt hơn
Như vậy bà đồng tình với việc thành lập “phố nhạy cảm”?
Việt Nam chúng ta chưa thể thành lập ra các khu vực “đèn đỏ” như Hà Lan hay “phố đèn đỏ” ở Paris. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể gom các hoạt động này lại một khu để quản lý tốt hơn. Đây là vấn đề nhạy cảm, cần có sự vào cuộc đúng và đủ của các ban ngành cũng cần có thời gian chứ không phải chuyện một sớm, một chiều.
Có nghĩa là chúng ta cần có một lộ trình?
Theo tôi, ở các thành phố lớn, nơi hoạt động mại dâm vẫn diễn ra phổ biến thì nên thí điểm gom các hoạt động này lại. Trong quá trình quản lý, chúng ta chọn được mô hình nào tốt, đạt hiệu quả thì nên triển khai sâu rộng để Nhà nước có thể quản lý các hoạt động này. Khi mà công tác quản lý được tiến hành tốt thì hoạt động mại dâm của theo đó mà giảm dần.
Tuy nhiên, việc gom hết hay không cũng lại là một vấn đề khác nên chúng ta cần có một lộ trình đầy đủ để công tác này thực hiện hiệu quả hơn.
Có ý kiến cho rằng, công tác quản lý của chúng ta yếu kém nên không cấm được thì đành “mở”. Ý kiến của bà như thế nào?
Chúng ta gom hoạt động lại không đồng nghĩa với việc chúng ta “mở” ra. Mong muốn của mọi người cũng như Nhà nước đều muốn triệt tiêu vấn nạn này. Đặc biệt là các gia đình đều mong muốn lại bỏ hoạt động này ra khỏi xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế thì chúng vẫn diễn ra mà chúng ta không quản lý cũng như nắm bắt được hết. Chính vì vậy cần phải gom chúng lại thành một khu để quản lý người ra, người vào tốt hơn.
Giảm người bán, hạn chế người mua
Việt Nam là một nước Á Đông, nhiều người cho rằng khi gom hoạt động nhạy cảm vào một khu sẽ làm mất đi thuần phong mỹ tục vốn có. Bà nghĩ sao về việc này?
Hà Lan hay một số nước khác trong khu vực có khu vực 'đèn đỏ', nhưng có ai dám nói rằng nước này thuần phong mỹ tục băng hoại không? Trên thực tế đây là sự phát triển tất yếu của xã hội. Xã hội đang hội nhập thì cần có những giải pháp thích hợp để giúp các hoạt động xấu không lan tỏa ra ngoài xã hội. Chúng ta đang muốn đưa các hoạt động này vào một khu vực để kiểm soát chúng tốt hơn.
Theo bà, việc gom những hoạt động “nhạy cảm” vào một khu vực sẽ tốt hơn cho công tác quản lý?
Đầu tiên là quản lý người bán, người mua, kiểm soát y tế cho họ. Về lâu dài, nếu sau này chúng ta công nhận thành một nghề thì có thể thu thuế.
Cách làm công khai này có thêm cái lợi là những người tìm đến các dịch vụ nhạy cảm phải ý thức rõ và cân nhắc hành động của mình. Với người trong cuộc, chính quyền cần hướng dẫn, thuyết phục họ tham gia, trên cơ sở cơ quan quản lý phải bảo vệ bí mật về danh tính.
Như vậy, việc làm này sẽ giúp chúng ta quản lý tốt vấn đề mua bán dâm tiến tới xóa bỏ vấn nạn này, thưa bà?
Thường cứ “dấm dúi” thì hoạt động sẽ âm thầm tiếp diễn như hiện nay khiến cơ quan quản lý khó nắm bắt, ngăn chặn. Nếu mình công khai như vậy, người mua với tâm lý e ngại sẽ không dám đến những khu vực này đặc biệt là người có gia đình. Khi cầu giảm thì nguồn cung cũng sẽ giảm theo hay nói cách khác là giảm được người bán đồng thời hạn chế người mua.
Một số người lo ngại việc thực thi pháp luật ở Việt Nam chưa nghiêm, cho gom các hoạt động nhạy cảm dễ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp và khó lường?
Khi làm một việc mới sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác nhau bởi chúng luôn có tác động hai chiều. Chúng ta cần cân nhắc giữa cái lợi và cái hại khi thực hiện và tìm mọi cách hạn chế mặt hại để nâng cao hiệu quả.
Tuy nhiên, phải hiểu rằng, quy hoạch các dịch vụ nhạy cảm vào một khu vực không có nghĩa là khu vực chỉ chuyên mua, bán dâm. Có những người không phải chỉ kiếm sống bằng nghề bán dâm, có thể họ làm nghề cắt tóc, gội đầu… Chính vì vậy cần có những quy định rõ ràng quản lý tốt hơn.
Như vậy, theo ý kiến của bà đâu sẽ là giải pháp để có thể ngăn chặn mại dâm và tiến tới xóa bỏ vấn nạn này?
Đây là một bài toán về lâu về dài, theo tôi nghĩ không nên vội vàng mà cũng chưa nên vội vàng đưa ra quyết định duy nhất nhằm triệt tiêu mại dâm. Trước hết hãy cứ gom họ vào một khu vực, quản lý thật tốt từ an ninh, sức khỏe, bệnh dịch và giáo dục họ để hạn chế hoạt động mua bán dâm rồi mới tiến tới tìm biện pháp xóa bỏ vấn nạn.
Xin cảm ơn bà!
Trước đó, ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất lập “phố nhạy cảm” tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015. Theo ông Quý, đây là những ý kiến cá nhân dựa vào kinh nghiệm của bản thân sau một quá trình tham gia công tác quản lý phòng chống tệ nạn nói chung và mại dâm nói riêng. Trong đề xuất, ông Lê Văn Quý gợi ý việc lập “phố nhạy cảm” ở một số địa phương trọng điểm như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... Nếu mô hình thí điểm có kết quả thì nên nhân rộng tại các địa phương khác để thuận lợi trong việc quản lý. Ông Quý nhấn mạnh, việc tập trung các cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ "nhạy cảm" như khách sạn, quán bar, vũ trường, xông hơi xoa bóp, karaoke, hớt tóc có tiếp viên nữ... vào một khu vực để tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước tốt hơn, chứ không thừa nhận hoạt động mại dâm. Lợi ích của “phố nhạy cảm” là Nhà nước sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động làm việc tại các cơ sở “nhạy cảm” về mặt lương thưởng, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe và bảo đảm các vấn đề an ninh trật tự tại khu vực trong đó vấn đề sức khỏe và đảm bảo việc lây lan của bệnh xã hội là điểm quan trọng nhất.
Cao nguyên