Vấn đề nên hay không thành lập “phố nhạy cảm” lại được cân nhắc tại hội nghị tổng kết năm năm thực hiện chương trình hành động phòng chống mại dâm, giai đoạn 2011-2015 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 23/10 vừa qua.
Vẫn tồn tại hai luồng ý kiến về vấn đề này. Một là ủng hộ với mong muốn việc quản lý được hiệu quả hơn và tránh lây lan bệnh cho cộng đồng. Ở chiều ngược lại, nhiều người phản đối vì vấn đề thuần phong mỹ tục, hạnh phúc gia đình…
"Nhạy cảm" có biến tướng mại dâm?
Rất nhiều người cho rằng lập
khu nhạy cảm mà không phải mại dâm là rất khó? Vì quản lý tệ nạn mà theo kiểu hàng hai thì tệ nạn sẽ biến tướng âm ỉ và đáng sợ hơn! Lập khu "nhạy cảm" để giải trí "chay" thì hơi lạ.
Ông Lê Minh Quý, Phó Chi cục Phòng chống tệ nạn TP HCM cho rằng cần một quan điểm mới về công tác phòng chống mại dâm.
Ông đề xuất tổ chức quy hoạch các ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh vấn đề mại dâm ở một khu vực riêng để tăng cường công tác quản lý của nhà nước.
“Đề án quy hoạch này phải đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho người lao động. Các tiếp viên nữ ở karaoke, cơ sở massage xông hơi xoa bóp phần lớn là người lao động làm việc không hưởng lương. Các chế độ BHXH cũng không được thực thi”, ông Lê Minh Quý nhận định.
Theo ông Lê Minh Quý, nên cho phép một số tỉnh, thành phố trọng điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm làm thí điểm.
“Như vậy để có cơ chế chính sách đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ và giải quyết các vấn đề về quyền lợi của người lao động. Thứ nhất là về chăm sóc sức khỏe nữ giới, đảm bảo vấn đề đời tư và BHXH cho người lao động, cũng như là đảm bảo không xảy ra các vấn đề an ninh trật tự và các tệ nạn khác”, ông Lê Minh Quý phát biểu.
Nhiều bạn đọc phản ứng rằng khu nhạy cảm sẽ rất mập mờ, nước đôi để tạo ra kẽ hở pháp luật, tạm gọi là vùng chồng lấn. Đây chính là vùng nhạy cảm để người kinh doanh nghề nhạy cảm làm chuyện... nhạy cảm có thể lách luật.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là biện pháp quản lý "hành động nhạy cảm" buộc dừng lại ở mức dừng lại.... đúng lúc, không vi phạm pháp luật các quán như karaoke, matxa, hớt tóc gội đầu thanh nữ...
Và không ít ý kiến bạn đọc cho rằng đây là nhu cầu thực tế của cuộc sống, cấm cũng không thể trong sạch được.
Một số bạn đọc khẳng định thường thì các quý ông khi tìm đến dịch vụ nhạy cảm thì người ta hay lén lút nên dù có lập khu nhạy cảm chưa chắc đã quản lý được.
Cũng có ý kiến cho rằng chỉ như vậy mới quản lý tình trạng mại dâm. Hiện tại chính phủ cấm mại dâm, nhưng mại dâm vẫn khó kiểm soát.
Nhiều ủng hộ, lắm e dè
Hầu hết các ý kiến không đồng tình đều cho rằng đề xuất lập “phố nhạy cảm” khó chấp nhận vì “không phù hợp với xã hội, quan niệm và phong tục của người Việt Nam”.
“Có những thứ bắt chước nước ngoài được, có những thứ không thể. Việc hợp thức hóa hoạt động nhạy cảm dễ dẫn đến mại dâm như thế chỉ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình nhiều người thôi” - chị Phương Thảo nêu ý kiến.
|
Cơ quan chức năng kiểm tra hành chính một nhà hàng karaoke có dấu hiệu vi phạm trên đường Phạm Viết Chánh, quận 1, TP HCM. |
Chị Võ Thị Thanh Thảo (quận Tân Bình) đánh giá tác tuyên truyền, cập nhật kiến thức về vấn đề mại dâm của các cơ quan chức năng chưa thật sự hiệu quả, việc xây dựng “phố nhạy cảm” chỉ làm dư luận hoang mang và bất bình thêm.
“Nếu thật sự muốn xây dựng thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuẩn bị về mặt tư tưởng cho người dân, đồng thời cần tham khảo kỹ hình thức tổ chức của nước ngoài.
Cần lên kế hoạch rất kỹ để tránh trường hợp mở ra ra nhưng lại không quản lý nổi. Cá nhân tôi thì không đồng ý với đề xuất này vì một số hoạt động liên quan như ma túy, thuốc lắc có thể phát triển theo”, chị Thanh Thảo nhận định.
Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất mở “phố nhạy cảm”.
Chị Nguyễn Trúc Duyên (quận Tân Bình) cho rằng thà hợp thức hóa để dễ dàng hơn trong công tác quản lý còn hơn là cấm mà vẫn hoạt động lén lút, tràn lan.
“Có nhiều mặt tích cực như Nhà nước có thêm nguồn thuế, quản lý được vấn đề sức khỏe”, chị Trúc Duyên chia sẻ.
Chị Trúc Duyên cũng đặt vấn đề xã hội nên thông cảm hơn với những người hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm. Gái mại dâm cũng cần được chăm sóc về mặt sức khỏe, được hưởng quyền lợi chính đáng.
Gom vào một khu để ngăn chặn bệnh lây lan cho cộng đồng?
Luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm cho rằng ai cũng mong muốn xã hội không còn người hoạt động mại dâm nữa. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những kẻ mua - người bán dù các quy định pháp luật không cho phép.
Theo LS Bùi Quang Nghiêm, nhìn ra các nước lân cận như Singapore hay Thái Lan, họ vẫn hợp pháp hóa hoạt động này để việc quản lý thật sự hiệu quả hơn.
“Tôi đồng tình với đề xuất lập “phố nhạy cảm” bởi nếu không thì hoạt động mại dâm vẫn diễn ra một cách lén lút dưới sự bảo kê không chỉ của xã hội đen. Khi gom lại thành một khu vực tập trung thì nên có những quy định ràng buộc về sức khỏe, luật pháp để chế tài người mua - người bán trong khu vực này”, LS Bùi Quang Nghiêm nói.
Phân tích kỹ hơn, LS Nguyễn Thị Hồng Liên nhận định phải cân nhắc thật kỹ những yếu tố về phong tục - văn hóa Việt Nam và lợi ích lâu dài cho cộng đồng trước khi thành lập “phố nhạy cảm”.
Theo LS Nguyễn Thị Hồng Liên, khi đã tập trung thành một khu vực và chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, những người hoạt động mại dâm còn phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ, đáp ứng những tiêu chuẩn về sức khỏe thì mới được hành nghề.
“Tôi cho rằng việc đưa những người hành nghề mại dâm vào một khu tập trung và đưa ra những quy định ràng buộc đầy đủ đối với những người hoạt động tại đây sẽ bảo đảm hơn về mặt sức khỏe cộng đồng. Nếu để họ hoạt động lén lút, lây lan bệnh tật cho cộng đồng thì còn nguy hiểm hơn nữa”, bà Hồng Liên phân tích.
Ở góc nhìn ngược lại, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng thời điểm hiện tại không thích hợp để lập những khu “phố nhạy cảm” tại Việt Nam.
Ngày 11/8, Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) thông qua nghị quyết: không trừng phạt người bán dâm lẫn kẻ chăn dắt và khách mua dâm với mục tiêu bảo vệ quyền của những người đang làm trong nghề mại dâm.
“Người Việt rất đề cao vấn đề thuần phong mỹ tục. Dù hội nhập, dù phát triển nhưng chúng ta vẫn phải giữ bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc. Đừng vì thấy các nước làm mà chạy theo”, LS Thế Trạch nêu quan điểm.
Dẫn ví dụ “khu đèn đỏ” ở các nước lân cận, LS Thế Trạch nhận định ngay cả khi hợp pháp hóa và gom vào một khu vực hành nghề mại dâm thì vẫn còn đó những tổ chức mại dâm hoạt động bên ngoài.
“Thay vì nghĩ đến việc hợp thức hóa thì hãy làm tốt công tác phòng chống và nâng cao ý thức của người dân trước tiên”, ông Trạch nói.
Cần nghiên cứu sâu rộng
PGS.TSKH Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN, cho biết trên thế giới có những nước đã hợp pháp hóa việc kinh doanh mại dâm, có những nước không.
“Điều đó phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của từng nước”, PGS Lương Đình Hải nói.
Theo PGS Lương Đình Hải, cần phải có những thống kê, điều tra, nghiên cứu, và đánh giá khách quan, khoa học các khía cạnh lợi, hại về phương diện xã hội, kinh tế, văn hóa, ảnh hưởng qua lại với các tệ nạn khác ra sao... Trên cơ sở đó, thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra những quyết sách phù hợp nhất với điều kiện hiện tại của VN.
“Nếu chỉ là những nhận định chung, đôi khi mang tính chủ quan, cảm tính thì rất khó định hướng dư luận và các cơ quan quản lý sẽ rất khó đi đến kết luật cuối cùng là nên hay không nên đồng ý cho mở các khu “phố nhạy cảm”, mở ở đâu, quản lý như thế nào…”, PGS Lương Đình Hải nói thêm.
Theo Tuổi Trẻ