Theo đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành và Ủy ban ATGT Quốc gia triển khai báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Trong văn bản, Thủ tướng cũng yêu cầu sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2020, trong đó có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, báo cáo Chính phủ đầy đủ những vướng mắc của các dự án này, trình Quốc hội để có hướng xử lý.
|
Thủ tướng yêu cầu đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác trong năm 2020. |
Đối với các dự án đầu tư, nâng cấp và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Dự án sửa chữa đường cất hạ cánh Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; Dự án nhà ga T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần rà soát, tổ chức lại giao thông ở các tuyến phức tạp, khắc phục tình trạng ùn tắc và xoá bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tăng cường công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm có phương án giải quyết những khó khăn của lĩnh vực đường sắt.
Trước đó, ngày 8/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thông tin về các vấn đề đang triển khai và vướng mắc để sớm đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành.
Thành phố Hà Nội phải nhận nợ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nên dự án vận hành càng sớm càng tốt, càng có lợi cho Hà Nội. Mục tiêu là thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng, phấn đấu đưa vào vận hành trong năm 2020. Hà Nội mong muốn càng sớm càng tốt, mốc được trước tháng 10 càng tốt.
Về tiến độ dự án, ông Vương Đình Huệ cho hay, hiện dự án đã đạt được 12 trong số 13 chứng chỉ an toàn theo yêu cầu. Chứng chỉ cuối cùng phải chờ dự án chạy thực tế thì cơ quan tư vấn Pháp mới thực hiện đánh giá.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là thiếu các chuyên gia của phía tổng thầu Trung Quốc tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khi các chuyên gia sang, Hà Nội sẽ bố trí nơi cách ly tập trung theo đúng quy định, hết thời gian cách ly nếu kết quả kiểm tra dịch tễ tốt thì các chuyên gia sẽ trở lại làm việc bình thường.
Đối với các vướng mắc khác là cơ chế thanh toán và việc thực hiện kết luận kiểm toán dự án. Hiện cơ chế tài chính giao cho dự án như thế nào vẫn còn nhiều điểm cơ quan kiểm toán chưa kết luận dứt khoát là giảm hay loại trừ.
Ông Huệ cho biết thành phố đã lập tổ công tác liên ngành giữa Hà Nội và Bộ GTVT để xử lý các vướng mắc của dự án. Tổ công tác sẽ trình phương án tổng thể lên bộ và thành phố, cái gì vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng. Ông cho biết hiện đang chờ báo cáo của tổ công tác.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ có Tổng công ty Đường sắt tiếp nhận dự án này sau khi vận hành. Hiện công ty đã đào tạo một số cán bộ và nếu dự án chậm vận hành sẽ phải đào tạo lại. Hiện nay chúng ta chuẩn bị đầu tư phải hết sức kỹ lưỡng để triển khai mới thông suốt, hiệu quả.
Thu Hiền