Có một chút gì đó rất hồn nhiên, anh đã gửi cho tôi những bản thảo khi tập thơ thứ 7 của anh chuẩn bị ra mắt, từng bước, từng bước một như một đứa trẻ không thích cất giữ niềm vui của riêng mình. Và đến khi cuốn sách vừa ra khỏi nhà in, còn sực nức mùi giấy mới, mùi mực, anh cũng không quên chia sẻ niềm vui ấy bằng một bức ảnh hàng trăm cuốn thơ được bày trân trọng, chỉn chu trên bàn làm việc của anh. Có lẽ, nét phác thảo đầu tiên của bức chân dung về Phạm Quốc Cường là như thế - hồn nhiên, hoang sơ, bộc lộ niềm vui như rất tự nhiên, thành thực, không cầu kỳ kiểu cách.
Nhà báo Phạm Quốc Cường - người có 7 tập thơ, nhiều ca khúc được phổ nhạc, trong đó có ca khúc Gương sáng Pháp luật Việt Nam
Từng học tại trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, một thời ‘kề vai sát cánh’ ở giảng đường với những người bạn rất nổi tiếng trong giới sân khấu, nhưng cơ duyên lại đưa anh Cường đến với nghề báo. Hiện anh đang công tác tại Báo Pháp Luật Việt Nam, bén duyên với mảng gai góc nhất của nghề báo: Điều tra - bạn đọc. Khi nhận phụ trách Ban Pháp luật bạn đọc, từ tác phong làm việc, kinh nghiệm trong nghề của mình, nhà báo Quốc Cường đã “truyền lửa” cho từng phóng viên, cộng tác viên của Ban để rồi từ đó Ban ngày càng vững mạnh, phóng viên ngày càng nhiệt huyết, yêu nghề và thêm động lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Nhưng vậy thôi thì chưa phải là Phạm Quốc Cường - một nhà thơ.
Điều thú vị là trong cuộc sống căng như dây đàn đó, đôi mắt của anh lại luôn nhìn thấy những nhịp điệu lấp lánh của cuộc sống. Thế nên, ngoài những ngôn từ sắc bén trong bài điều tra, Cường cứ đặt bút, câu chữ đã có vần có điệu. Bất kể “chiều thong dong” “lúc kẹt xe” hay “tàn canh men rượu”, anh đều kể lại cảm xúc của mình bằng những câu chữ nhịp nhàng. Cũng có người kỹ tính, không thích thơ của Cường, bởi khi họ đọc thơ bằng những nguyên tắc của niêm luật, họ không chấp nhận được những câu chữ quá đời, không thích sự cách tân, thậm chí là không chịu được kiểu cố tình phá vần của những bài lục bát trong thơ Cường.
Nhưng khi nhìn ở một góc độ khác, góc độ của sự mới mẻ, góc độ của niềm vui, thì thơ của Cường quả thật đã khiến nhiều người được thỏa mãn, thỏa mãn bởi sự hồn nhiên, giản dị, rất đời. Đúng như trong lời tựa của tập thơ thứ 7, những nhịp điệu của cuộc sống thường ngày trong thơ của Phạm Quốc Cường đã mang đến năng lượng tích cực cho mọi người, lan tỏa tình yêu giữa người với người, tình yêu quê hương đất nước, gắn kết con người, gắn kết thế hệ…
Nhà báo Quốc Cường và bạn thời đại học - NS ƯT - diễn viên Phạm Quang Ánh
Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, nên thơ của Phạm Quốc Cường cũng mang nặng hồn cốt xứ Nghệ - nghĩa tình, sâu lắng. Cũng bởi thế, dù có “đời”, có đôi khi suồng sã, thì ngôn ngữ trong thơ của Cường cũng chứa đựng rất tầng tầng lớp lớp những ẩn ngữ sâu xa. Thậm chí, cả chuyện chính trị, những vấn đề "nóng" mà các nhà thơ e ngại né tránh, thì Cường vẫn hồn nhiên gieo vần, đưa nó vào thơ.
Không dừng lại, thơ của Cường còn được phổ thành nhạc. Nhiều bài hát đã được phổ nhạc từ thơ của Cường như: Khúc hát phóng viên; Hoa sữa và em; Anh chờ qua trăng; Gương sáng Pháp luật Việt Nam; Tuyến đầu vang mãi niềm tin; Hà Nội - Khúc đồng dao chống dịch; Thắng đại dịch này ta mở tiệc vàng thật sang; Tuyến đầu sự sống hồi sinh; Việt Nam sáng ngời tình yêu…
Dừng lại những nét phác thảo về một trái tim nồng nàn yêu, một ánh mắt luôn tìm thấy những giai điệu đẹp kể cả từ những góc thô ráp xù xì của cuộc sống, có một Quốc Cường khác - một nhà báo - Trưởng ban Pháp luật bạn đọc.
Nhà báo Phạm Quốc Cường đại diện nhóm tác giả lên nhận giải thưởng Giải thưởng báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Với vai trò nhà báo Phạm Quốc Cường đã gặt hái được rất nhiều thành công. Anh là một trong những người đầu tiên xây dựng và phát triển Chuyên trang điện tử truyền thông Pháp luật Plus của Báo Pháp luật Việt Nam. Tổ chức nhiều tuyến bài bảo vệ người dân bị oan sai, tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước...
Dưới sự chỉ đạo của Ban biên tập, với vai trò Trưởng ban Pháp luật bạn đọc, nhà báo Phạm Quốc Cường cùng đội ngũ phóng viên Ban đã triển khai nhiều tuyến bài nhận được sự cổ vũ của bạn đọc và dư luận đánh giá cao như: Vụ án "Đường Nhuệ 2" ở Nam Định; vụ 2 cháu bé nghi bị cha ruột xâm hại tình dục ở Hải Phòng; Kiến nghị làm nhà lưu niệm của GS Trần Huy Liệu theo đơn của 68 Nhà khoa học gửi Báo Pháp luật Việt Nam; Vụ việc phạm nhân trốn trại gần 40 năm nhưng không bị xử lý tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội; vụ thẩm mỹ Spa gây chết người ở Hải Dương; Vụ học sinh tử vong sau khi nhà trường tổ chức sự kiện… Những bài viết đã tạo được tiếng vang, thu hút số lượng lớn sự quan tâm của độc giả, dư luận.
Anh và cộng sự cũng đã đạt được những giải thưởng cao quý của người làm báo, như Giải C - giải Báo chí Quốc gia năm 2016; Giải thưởng báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2020-2021, 2022-2023; Giải thưởng báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng, tháng 1 năm 2024).
Anh cũng nhận được nhiều giải thưởng Báo chí Bộ, ngành, địa phương; Bằng khen, giấy khen của các Bộ, ngành Trung ương, và các giải thưởng khác về văn hoá, nghệ thuật, thể thao khác. Đặc biệt, rất nhiều bài viết của Ban Pháp luật Bạn đọc - Báo Pháp luật Việt Nam - nơi anh công tác, đã được bạn đọc gửi lời cảm ơn!
Bởi là phác thảo, bài viết này chỉ kỳ vọng đưa một vài nét chấm phá về Phạm Quốc Cường. Nhưng có một “bức tranh” không được thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa, nhưng lại rất rõ ràng về Phạm Quốc Cường đó là “Bước đời” - tập thơ thứ 7 vừa ra mắt của anh. Ở đó, có một Phạm Quốc Cường rất đời, rất thật, rất nhân văn, tình nghĩa, nhưng cũng lại rất sắc sảo, thậm chí có phần ngang tàng…
Theo Pháp Luật Việt Nam