Ông Thái Văn Tài: Hành vi học sinh ở Tuyên Quang là bộc phát, cá biệt

Google News

Ông Thái Văn Tài không đồng tình với cách nói “nhóm học sinh tấn công giáo viên” ở Tuyên Quang. Đây chỉ·là hành vi bộc phát, cá biệt, cần bình tĩnh nhìn nhận đúng bản chất.

Vụ việc học sinh Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang xúc phạm cô giáo đã gây “nóng” dư luận trong những ngày qua. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, hành vi này là sự báo động về sự xuống cấp về đạo đức của thế hệ trẻ, cho thấy sự thất bại của giáo dục. Và với sự xúc phạm, “tấn công” giáo viên, dù do bất kể lý do gì cũng không thể chấp nhận được.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã có những trao đổi xung quanh sự việc này.
Bình tĩnh, nhân văn, khéo léo trong xử lý vụ việc ở Tuyên Quang
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, bạo lực học đường qua từng giai đoạn thể hiện với hình thức khác nhau. Trong đó, tác động của môi trường giáo dục, môi trường sư phạm hiện nay là vấn đề cần bàn đến, bởi nó đã có sự thay đổi.
Chẳng hạn, ngày nay, giáo viên tương tác với phụ huynh học sinh, đồng nghiệp với phương thức khác trước đây, trên không gian mạng xã hội. Hình thức giao tiếp, cách giao tiếp khác kéo theo những thay đổi, điều chỉnh trong hành vi ứng xử của các bên liên quan.
Ong Thai Van Tai: Hanh vi hoc sinh o Tuyen Quang la boc phat, ca biet
 Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).
Trong bối cảnh đó, nếu một giáo viên có thâm niên trong nghề 20 năm, giữ nguyên cách tương tác, ứng xử như trước thì có thể sẽ rất lúng túng trong việc xử lý các tình huống, sự việc.
"Bởi chúng ta có một thế hệ học sinh, phụ huynh hoàn toàn mới, chưa xuất hiện bao giờ. Vẫn là đối tượng học sinh ở lứa tuổi này trước đây từng dạy, nhưng giờ khác trước, thế hệ phụ huynh cũng khác với nhận thức, suy nghĩ khác. Chưa nói, môi trường lớp học hiện hoàn toàn khác. Mỗi thứ góp một chút có thể dẫn tới hành vi yếu, thiếu chuẩn mực”, ông Tài nói.
Từ góc nhìn trên, ông Tài cho rằng, cần tiếp cận, nhận diện nguyên nhân sự việc một cách bình tĩnh, thấu đáo, đúng bản chất. Những hành vi của học sinh ở Tuyên Quang không phổ biến, tuy nhiên, gây sự chú ý nên có cảm giác rất đậm đặc. Từ sự không phổ biến và cá biệt ấy, cần có sự xử lý khéo léo, nhân văn, và điều này tạo giá trị lan tỏa đối với học sinh.
Ông Tài không đồng tình với cách nói “nhóm học sinh tấn công giáo viên”. Theo ông, đây là hành vi không đúng, nhưng bộc phát, chứ trong ý thức các em không có ý thức tấn công, không có tổ chức, kế hoạch.
Một mình ngành giáo dục làm sẽ “rất khó khăn”
Về giải pháp, ông Thái Văn Tài cho rằng, tùy vào đặc thù mỗi địa phương sẽ có những giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung, đó là các học sinh đều tương tác trên mạng xã hội, nên việc quản lý các trang mạng hiện nay cũng là một vấn đề.
Học trò ngày nay sinh ra trong môi trường số nên không thể cấm các em dùng thiết bị điện tử, truy cập internet, sống ngoài môi trường, xu thế của thời đại. Vấn đề là quản lý thế nào. Chẳng hạn, khi đưa lên mạng thì cái gì được đưa, cái gì không được phép. “Luật đã có, nhưng có vẻ chúng ta xử lý chưa nghiêm”, ông Thái Văn Tài nhìn nhận.
Ong Thai Van Tai: Hanh vi hoc sinh o Tuyen Quang la boc phat, ca biet-Hinh-2
 Vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm ở Tuyên Quang. Ảnh cắt từ clip
Ông Tài cho hay, theo một khảo sát chưa chính thức, một đứa trẻ hiện nay giao tiếp trên môi trường số nhiều hơn môi trường thực. Có những việc các em giao tiếp trên môi trường số, nhưng rủ nhau ra hành động thực, tức là việc đó âm ỉ từ trước rồi. Nhưng nhà trường không thể quản lý được, mà phải là các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ và có chuyên môn mới có thể nắm bắt và xử lý.
Hoặc như hành vi nói xấu, khích bác nhau, có hành vi thiếu chuẩn mực, trái quy định trên không gian mạng thì với năng lực, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường hay giáo viên cũng không đủ xử lý.
Như vậy, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, chứ chỉ riêng ngành giáo dục thực hiện sẽ rất khó khăn. Ngành giáo dục ở các địa phương cần nhận diện những thay đổi trong bối cảnh mới này để có những giải pháp bổ sung. Bộ GD&ĐT cũng đang có sự phối hợp để triển khai những giải pháp.
Đối với gia đình, cũng cần phối hợp để giáo dục các em những hành vi chuẩn mực. Chẳng hạn thầy cô dạy học sinh đội mũ bảo hiểm, tuân thủ luật giao thông. Tuy nhiên, phụ huynh lại không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ. Như vậy, làm cho ý thức chấp hành pháp luật bị xem thường, các em thấy người lớn làm được sẽ làm theo.
Đánh giá sự việc xảy ra tại trường học ở Tuyên Quang có những hành vi thiếu chuẩn mực, ông Thái Văn Tài cho rằng, cần có góp ý, thậm chí xử lý để giáo viên có những ý thức tốt hơn. Bởi dù môi trường thay đổi nhưng vai trò, vị trí của giáo viên vẫn là trung tâm để dẫn dắt, lan tỏa đến học sinh những hành vi chuẩn mực.
Vì nghề giáo là nghề gieo mầm những hành vi để tạo nhân cách. Vậy hơn ai hết giáo viên phải là người làm gương, chuẩn mực. “Nên rất mong các thầy cô lan tỏa những hành vi đẹp đó để làm giảm bớt tính đậm đặc của những hành vi thiếu chuẩn mực, cho dù rất cá biệt”, ông Tài nói.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nói về vấn nạn bạo lực học đường. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan