Công an tỉnh Đắk Lắk vừa triệt phá vụ đôi vợ chồng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dùng chiêu trò mê tín dị đoan dẫn dụ người dân, chiếm đoạt gần 100 tỉ đồng.
Ngày 24/2, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt tạm giam vợ chồng Nguyễn Anh Tuấn (39 tuổi) và Nguyễn Thị Nhớ (37 tuổi, trú tại Tân An, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuấn và vợ bị cáo buộc lừa 3 người mua vật phẩm do "nhiều cao tăng trên thế giới làm phép" để được đắc đạo thành tiên, chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng.
 |
Nguyễn Anh Tuấn bị bắt giữ. |
Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện tại một khu đất rẫy ở xã Ea Khăl (huyện Ea H’leo) có xây dựng một nhà thờ tổ và 6 tịnh thất, phục vụ cho nhiều người dân từ các tỉnh, thành trong cả nước đến ẩn tu. Hoạt động tu tập tại đây có nhiều điểm bất minh và có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điều tra ban đầu xác định, khu đất rẫy rộng hơn 6 ha nói trên là do Nguyễn Anh Tuấn và vợ là Nguyễn Thị Nhớ mua, xây dựng các tịnh thất để dẫn dụ người dân khắp nơi về đây tu tập.
Năm 2021, vợ chồng Tuấn nhận thấy nhiều người có điều kiện kinh tế khá giả, muốn tu tập nhanh chóng để "đắc đạo", nên đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi mua được 6 ha đất nông nghiệp tại thôn 3, xã Ea Khăl, vợ chồng Tuấn yêu cầu các nạn nhân nộp tiền xây dựng nhà thờ tổ và các tịnh thất tu hành; đồng thời, giới thiệu các vật phẩm được cho là có tác dụng hỗ trợ tu tập.
 |
Bên trong cơ sở tu hành của hai vợ chồng Nguyễn Anh Tuấn
|
Những vật phẩm này chỉ là hàng rẻ tiền trên thị trường, nhưng vợ chồng Tuấn thổi phồng là vô cùng quý hiếm, vì đã có niên đại rất lâu đời, được nhiều sư tăng trên thế giới làm phép, sau đó bán cho các bị hại với giá rất đắt.
Để tăng thêm lòng tin, Nhớ đã lập nhiều tài khoản Gmail giả mạo các sư phụ, sư mẫu tu hành đắc đạo, có khả năng tách phần hồn đi khắp thế giới, di chuyển đồ vật bằng phép thần thông để nhắn tin dẫn dụ, ép buộc bị hại mua các đồ vật phục vụ cho việc tu tập.
Vợ chồng Tuấn còn thuê người chôn giấu các vật phẩm trong khu đất rồi nói dối với các nạn nhân rằng sư phụ đã di chuyển chúng bằng phép thuật đến. Họ còn thuê người đóng giả sư mẫu “Hoàng Milan” đến giảng Phật pháp và dụ dỗ các nạn nhân bỏ tiền mua các vật phẩm tu tập.
Cảnh sát làm rõ vợ chồng Tuấn đã dùng thủ đoạn tu tập này để lừa đảo, chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng từ 3 nạn nhân. Khám xét khẩn cấp, công an thu giữ được 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 3 thẻ tiết kiệm tổng trị giá gần 12 tỷ đồng, một ô tô trị giá 2,7 tỷ đồng, hơn 100 triệu đồng tiền mặt, 2 xe mô tô, nhiều trang sức bằng vàng cùng hàng trăm đồ vật tu tập.
 |
Một trong số các vật phẩm được các đối tượng chôn trong rẫy với mục đích để lừa đảo.
|
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, với thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá gần 100 tỷ đồng như trên đã đủ căn cứ để xử lý các đối tượng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự. Do đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với hai vợ chồng Tuấn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ.
Theo quy định của pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự. Trường hợp chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên, đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Quá trình xác minh vụ việc cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có nhiều nạn nhân đã nộp tiền do vợ chồng Tuấn đưa ra thông tin gian dối về việc mua vật phẩm với giá rất đắt thì có thể tu luyện thành tiên, đắc đạo. Để phục vụ cho mục đích chiếm đoạt tài sản, Tuấn đã thực hiện các thủ đoạn gian dối, thần thánh hóa các vật phẩm vô tri thành những thứ linh thiêng làm cho nạn nhân tin tưởng để chiếm đoạt tài sản. Đây là phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất tinh vi và lợi dụng sự mê tín, thiếu hiểu biết của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.
Tuấn xây dựng các cơ sở thờ tự, tu tập nhưng không có đăng ký với cơ quan chức năng, hoạt động tôn giáo của Tuấn có thể được xác định là bất hợp pháp, nghiêm trọng hơn là Tuấn lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người, lợi dụng niềm tin của các nạn nhân về tôn giáo để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ phương thức thủ đoạn lừa đảo, làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản và hậu quả đối với các nạn nhân để xem xét xử lý các đối tượng lừa đảo này theo quy định của pháp luật.
 |
Bộ "trấn yểm" chôn dưới sân nhà của một bị hại mua của vợ chồng Tuấn với giá trên 2 tỷ đồng.
|
Theo luật sư Cường, lợi dụng niềm tin tôn giáo, nhiều đối tượng đã thêu dệt, tô vẽ khiến cho nhiều người trở thành cuồng tín, mê muội. Các hoạt động mê tín dị đoan diễn ra khá nhiều trong đời sống xã hội và trên không gian mạng. Lợi dụng niềm tin tôn giáo và sự thiếu hiểu biết của nhiều người nên các đội trưởng đã tìm cách chiếm đoạt tài sản.
Vụ án này là một trong các phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của các đối tượng lừa đảo khi biến tôn giáo thành công cụ, phương thức để chiếm đoạt tài sản của người khác. Bên cạnh những nạn nhân trình báo tố giác với cơ quan chức năng thì sẽ còn có những người vẫn tin vào những điều nhảm nhí, họ mất tiền nhưng không biết là mình bị lừa đảo khiến cho các đối tượng lừa đảo tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, đây là bài học cho nhiều người khi đặt niềm tin không đúng chỗ, không đúng đối tượng dẫn đến tiền mất, tật mang.
Các hoạt động mê tín dị đoan và hành nghề mê tín dị đoan xảy ra khá nhiều trong đời sống thực tiễn và trên không gian mạng, khi đã có niềm tin ở mức mê muội, tin vào những điều nhảm nhí, nhiều người sẵn sàng nộp tiền, thậm chí bán nhà bán đất để đưa tiền cho các đối tượng lừa đảo. Do đó, khi đã chiếm được niềm tin của người khác bằng những câu chuyện ma mị, không có thật, các đối tượng rất dễ nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, tự hoạt động mê tín dị đoan trở thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ trong gang tấc.
Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác đối với các phương thức thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để thực hiện các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, phát hiện kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bị bắt vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Hòa thượng “dởm” khai gì?
Hải Ninh