Ông Nguyễn Thanh Hóa phải nhờ Nguyễn Văn Dương xin...xe vi phạm

Google News

(Kiến Thức) - Khi còn làm Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), ông Nguyễn Thanh Hóa đi chơi lễ hội và ô tô bị bắt vì vi phạm, qua giới thiệu ông đã nhờ Nguyễn Văn Dương xin xe vi phạm cho mình. 

 

Tại phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua internet, trả lời HĐXX về mối quan hệ với bị cáo Nguyễn Văn Dương – Cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CNC từ năm 2010 – sau thời điểm ông Nguyễn Thanh Hóa được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (năm 2009).
“Khi đó, tôi đi lễ hội và xe của bạn tôi bị bắt vì đỗ sai. Có người nói chỉ anh Nguyễn Văn Dương quen thân với Giám đốc công an tỉnh mới xin được. Đúng sau đó, tôi xin được xe và mới trở về được. Sau đó tôi biết Nguyễn Văn Dương”, ông Hóa khai.
Ong Nguyen Thanh Hoa phai nho Nguyen Van Duong xin...xe vi pham
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa trả lời HĐXX.
Khi trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc “ai là người đề xuất thành lập công ty CNC?”, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết, từ năm 2011, C50 có chức năng nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao. Do tập trung vào các việc khác nên đến 2011, C50 chưa thành lập được công ty bình phong.
Theo bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, khi đó, cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã đề nghị cho cháu làm công ty bình phong của C50.
“Tuy nhiên, khi bị cáo nói người cháu này không có khả năng làm doanh nghiệp, ông Ngọ đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương. Sau đó, tôi gặp ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Dương ở trụ sở Tổng cục Cảnh sát. Ông Vĩnh bảo làm tờ trình để Tổng cục duyệt. Lúc đó tôi không hiểu vì lực lượng cảnh sát không có bình phong. Tôi họp đơn vị và thống nhất thành lập, giao trưởng phòng tham mưu đi tìm hiểu”, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai.
Ông Hóa nói thêm, Bộ Công an không có quy định chung về thành lập công ty bình phong. Các đơn vị khác hướng dẫn có 3 hình thức làm công ty bình phong gồm bỏ tiền làm, đóng góp tiền để liên kết hoặc dùng lợi thế sản phẩm trí tuệ.
Trong phiên xét xử sáng ngày 20/11, ông Hóa khai, Công ty TNHH đầu tư phát triển công nghệ cao (CNC) không phải là công ty bình phong của C50 từ giai đoạn 2011-2015. CNC chỉ chính thức thành công ty bình phong của C50 từ ngày 14/5/2015 theo quyết định 158 do bị cáo Phan Văn Vĩnh ký.
Do vậy, chiều ngày 20/11, HĐXX đã công bố lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, có nội dung bị cáo này xác nhận từ giai đoạn 2011-2015 CNC là công ty bình phong của C50 và hàng tháng, quý CNC phải báo cáo công tác hoạt động cho C50.
Sau khi tòa công bố tài liệu trên, ông Nguyễn Thanh Hóa nói rằng: "Khi bị cáo bị bắt, nằm trong trại rất nóng, người mệt mỏi, thần kinh không ổn định nên bị cáo đã khai không đúng với chứng cứ thu thập trong vụ án".
Hôm nay (21/11), phiên tòa xử 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ được tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.
Theo cáo trạng, về động cơ, mục đích, Nguyễn Thanh Hóa khai, cho công ty CNC tổ chức đánh bạc là để tạo: "nguồn thu từ hoạt động thí điểm này được dùng để đầu tư, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm là một nhiệm vụ chiến lược của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao".
Nhưng thực tế hơn 2 năm công ty CNC tổ chức đánh bạc trên mạng Internet thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng, không có một khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho Hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng, mà chỉ có một khoản rất nhỏ so với tổng doanh thu (chi 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virus Symantec trị giá 30.000 USD cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao).
Trong khi đó, việc sống, còn trong vận hành game đánh bạc của Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm hoàn toàn phụ thuộc quyết định vào Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa. Do vậy, xét về bản chất thì hành vi của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu “bảo kê”.
Do vậy, việc xem xét xử lý hành vi của Nguyễn Thanh Hóa mới dừng lại ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”được quy định tại Khoản 3 Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng áp dụng tình tiết có lợi cho bị cáo được quy định tại Điều 7 Bộ luật Hình sự thì hành vi phạm tội của Nguyễn Thanh Hóa được áp dụng xử lý theo điểm a khoản 2 Điều 356 - Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017.
Kim Ngưu