Ông chủ dự án BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ tai tiếng là ai?

Google News

(Kiến Thức) - Nắm 65% cổ phần của dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nhưng "ông chủ" dự án này lại không mấy tiếng tăm trong ngành giao thông.

Mới đây, dự án BOT này đã bị thanh tra chính phủ chỉ ra hàng loạt bất thường trong việc thu phí, quản lý chi phí, đấu thầu gây lãng phí. Những thông tin này đã nhanh chóng làm "nóng" dư luận.
Ngày 20/7/2014, dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hình thức BOT khởi công. Cụ thể, dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ được thi công trên tổng chiều dài 29km, có tổng mức đầu tư là 6.732 tỷ đồng (100 % vốn tư nhân) và được chia làm 2 giai đoạn. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 gồm cải tạo, nâng cấp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Giai đoạn 2 mở rộng hoàn chỉnh, nâng quy mô từ 4 lên 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m. Xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp IV đồng bằng theo tiêu chuẩn TCVN 4054-2005 (bề rộng nền đường 6,50m) và dự kiến hoàn thành vào năm 2018.
Ong chu du an BOT Phap Van-Cau Gie tai tieng la ai?
 Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Vneconomy.
Bộ ba nhà đầu tư dự án được chỉ định là liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát (Minh Phát), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành). Ba nhà đầu tư này sau đó thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC).
Trong đó, Minh Phát góp 535,05 tỷ đồng (65% vốn điều lệ); Cienco 1 góp 148,17 tỷ đồng (18%) và Phương Thành góp 139,93 tỷ đồng (17%). Tổng cộng, vốn góp chủ sở hữu của các đơn vị trên là 823,15 tỷ đồng, tương đương 12,2% tổng mức đầu tư của dự án. Với số vốn đầu tư của 3 cổ đông này thì phải đến gần 80% nguồn vốn phục vụ dự án mở rộng đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là vốn vay ngân hàng.
Ông chủ bí ẩn?
Góp vốn tới 65%, Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng Minh Phát (số 181 Trần Hưng Đạo, phường Tiền An, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) là ông chủ lớn của dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Các thông tin về doanh nghiệp này không nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực ngành giao thông.
Một số thông tin tìm hiểu được liên quan đến nhà đầu tư này gồm: Người đại diện pháp luật của Minh Phát là Nguyễn Ngọc Tư.
Báo Lao động cho hay, đầu năm 2014, Minh Phát thực hiện tăng vốn điều lệ từ 369 tỉ đồng lên 568 tỷ đồng, trong đó ông Đỗ Ngọc Minh trú tại Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội góp 312,4 tỷ đồng, tương đương 55%; ông Đỗ Minh Đức và bà Nguyễn Thị Cẩm Tú (cùng trú tại 19 Thái Phiên, Hai Bà Trưng, Hà Nội) góp lần lượt 39% và 6% vốn (bà Nguyễn Thị Cẩm Tú cũng đồng thời là Tổng Giám đốc của MPC, nơi Minh Phát góp 65% vốn).
Tuy nhiên ngay sau đó, cơ cấu cổ đông đã được thay đổi, khi ông Nguyễn Văn Quân trú tại Mỹ Đình, Hà Nội bất ngờ nắm giữ 23% vốn cổ phần của Minh Phát, tỉ lệ sở hữu của ông Đỗ Minh Đức giảm về 0%.
Mời độc giả xem video Kiểm tra, giám sát trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ (nguồn: TH Thông Tấn)
Hai cổ đông: Phương Thành và Cienco 1
Nếu như Minh Phát khá kín tiếng thì hai cổ đông còn lại là Phương Thành và Cienco 1 được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực giao thông.
Bản thân công ty Phương Thành và Minh Phát cũn có nhiều mối liên hệ với nhau. Phương Thành đã liên danh với Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành để thực hiện Dự án BOT cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Theo tìm hiểu, một trong các cổ đông sáng lập của Công ty Công Thành là bà Nguyễn Thị Cẩm Tú nắm 33% vốn điều lệ. Bà cũng là người đang nắm 26% vốn điều lệ của Công ty Minh Phát – cổ đông nắm 65% vốn điều lệ của Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Công ty Phương Thành là một doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp thuộc bộ GTVT. Người đang nắm 93,9% vốn điều lệ của Công ty Phương Thành là ông Phạm Văn Khôi.
Phương Thành được biết đến với loạt dự án gói thầu số 2 Dự án QL1 đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ; Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai...
Góp 18% vốn đầu tư dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cienco1 được biết đến với khá nhiều dự án như cầu Vĩnh Thịnh (Hà Nội), cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý (Đà Nẵng). Công ty này thành lập năm 1964. Từ 01/7/2010, Tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên trực thuộc Bộ GTVT và triển khai cổ phần hoá theo chủ trương của Đảng và các Nghị quyết của Chính phủ. Ngày 29/4/2014, Tổng công ty tổ chức thành công đại hội đồng cồ đông lần thứ nhất, chuyền sang mô hình hoạt động cùa công ty cổ phần theo Luật doanh nghiệp.
Là cổ đông cùng Minh Phát, Phương Thành, song dường như tiếng nói của Cienco 1 không được chú trọng. Năm 2016, không ít lần Cienco 1 lên tiếng về sự “nhập nhèm” báo cáo doanh thu dự án của công ty Minh Phát và MPC. Tuy nhiên, phải sau rất nhiều điều chỉnh, nội bộ 3 nhà đầu tư mới tìm được tiếng nói chung. 
Đáng chú ý, đầu tháng 1/2017, có thông tin về việc Cienco 1 sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại CTCP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành. Cụ thể, Cienco 1 sẽ bán hơn 14,81 triệu cổ phần tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Linh Hoàng