Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra các dự án BOT, BT giao thông trên địa bàn TPHCM và kiến nghị xử lý sai phạm với số tiền trên 2.100 tỷ đồng tại 6 dự án BOT, BT. Vậy 6 dự án trên là những dự án nào? Chủ đầu tư là ai? Và quá trình triển khai thực hiện ra sao?
Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ
Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty cổ phần Xây dựng Phú Mỹ làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 2.077,534 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu là 23,6%, nguồn vốn vay ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước là 76,4%. Dự án được đầu tư với quy mô công trình giao thông cấp 1, mô hình cầu dây văng có chiều dài 2.034 m, chiều rộng 27,5 m. Thời gian xây dựng từ tháng 2/2007 đến tháng 2/2006, thời gian thu phí hoàn vốn 26 năm.
|
Dự án BOT cầu Phú Mỹ. |
Tài liệu hồ sơ cho thấy, dự án được tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà thầu. Sau đó, ngày 21/7/2003, UBND TP HCM có quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ theo hình thức BOT trong nước. Đơn vị được tuyển chọn gồm liên doanh gồm 5 đơn vị: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, công ty Đầu tư và phát triển Xây dựng, công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng kỹ thuật TP. HCM, CTCP Bê tông 620 Châu Thới và công ty TNHH và Thương mại Thanh Danh.
Dự án hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2009.
Dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ
Dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT do Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư 1.440 tỷ đồng. Cơ cấu huy động vốn cho dự án là 80% sử dụng vốn vay ngân hàng trong nước và 20% sử dụng vốn chủ sở hữu.
Dự án với quy mô công trình giao thông cấp II, chiều dài tuyến 10.917 m gồm vành đai phía Đông, nút giao thông khu A phía Nam Sài Gòn, đường trên cao nối từ nút giao thông khu A Nam Sài Gòn đến cầu phú Mỹ, thời gian xây từ tháng 3/2008 đến tháng 7/2014.
Tháng 3/2008, UBND TP HCM đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ về việc đầu tư Dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ và các phụ lục hợp đồng. Trong đó giá trị hợp đồng là 1.440,347 tỷ đồng. Công trình khởi công tháng 2/2008 và hoàn thành bàn giao ngày 31/12/2010.
Dự án hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng tháng 7/2014. Đến ngày 27/11/2014, công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn tài chính DNP có báo cáo kiểm toán quyết toán với số tiền 3.200 tỷ đồng. Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng cầu Phú Mỹ (đổi tên từ Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ) đã có văn bản phê duyệt kết quả kiểm toán chi phí đầu tư xây dựng với giá trị 3.199 tỷ đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương – An Lạc
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương – An Lạc thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Giao thông Vận tải với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO.
Giai đoạn trước ngày 23/7/2010, công tác quản lý hợp đồng do Bộ GTVT thực hiện, giai đoạn sau ngày 23/7/2010 do UBND TP.HCM quản lý.
|
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương – An Lạc. Ảnh báo Đầu Thầu.
|
Quy mô công trình đường giao thông cấp I, chiều dài tuyến gần 13,7 km; thời gian thi công từ tháng 4/2001 và hoàn thành vào quý I/2004. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 831,6 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay ngân hàng trong nước, thời gian thu phí hoàn vốn là 114 tháng.
Dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác thu phí hoàn vốn từ ngày 2/1/2005, tổng mức đầu tư Dự án được phê duyệt là hơn 755 tỷ đồng, giảm so với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là hơn 831,6 tỷ đồng.
Dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội
Dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội được thực hiện theo hình thức BOT do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP.HCM làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 2.422 tỷ đồng và được điều chỉnh lên 3.822 tỷ đồng. Trong đó bổ sung 1.400 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng khi chưa có phương án giải phòng mặt bằng được phê duyệt.
Dự án có chiều dài 15,7km, đường phố chủ yếu xây dựng với tiêu chuẩn đường cấp I, còn lại là đường cấp II, khởi công từ ngày 2/4/2010, hoàn thành ngày 2/4/2013. Hiện công trình đang thi công do chậm giải phóng mặt bằng, thời gian khai thác thu phí hoàn vốn dự kiến 26 năm 3 tháng.
Dự án cầu Bình Triệu II
Dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP.HCM là nhà đầu tư. Doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Cầu đường Bình Triệu.
Dự án gồm 7 tiểu dự án với có tổng mức đầu tư 1.717 tỷ đồng bao gồm 7 tiểu dự án. Tiểu dự án 1 nâng cấp mở rộng QL 13 đoạn ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu, quận Thủ Đức; tiểu dự án 2 là hoàn trả toàn bộ chi phí đầu tư toàn bộ các hạng mục mà Cienco 5 đã triển khai thực hiện trước đây; tiểu dự án 3 là sửa chữa nâng cấp cầu Bình Triệu cũ; tiểu dự án 4 là mở rộng đường Nguyễn Xí; tiểu dự án 5 là nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm đoạn từ ngã 5 đài Liệt sĩ đến Tân Cảng, quận Bình Thạnh; tiểu dự án 6 là bồi thường giải phóng mặt bằng tại quận Thủ Đức và tiểu dự án 7 là bồi thường, giải phóng mặt bằng tại quận Bình Thạnh (để thực hiện tiểu dự án 4 và 5).
Hiện nay, do công tác giải phóng mặt bằng chậm, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP.HCM mới hoàn thành đầu tư phần 1, giai đoạn 2 với tổng chi phí 224 tỷ đồng, tạm ngừng thu phí từ ngày 6/7/2015.
>>> Mời độc giả xem video Không đi vẫn phải trả tiền: Vô lý như… BOT - Nguồn VTC:
Dự án Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu
Dự án được thực hiện theo hình thức BOT do Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên làm chủ đầu tư. Dự án không thành lập Doanh nghiệp quản lý dự án mà công ty thành lập Ban quản lý dự án, tổng mức đầu tư 461 tỷ đồng. Quy mô đường xi măng rộng 30m, dài 2,6km. Khởi công ngày 6/6/2012, hoàn thành ngày 14/6/2012, thời gian khai thác thu phí là 24 năm. Hiện dự án chưa hoàn thành và chưa quyết toán công trình.
Quá trình triển khai dự án xảy ra nhiều sai phạm lớn mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra trong bản kết luận.
PV Kiến Thức tiếp tục thông tin...
Hải Ninh