Thời gian trôi đi, nhưng vết thương và tội ác chiến tranh do tập đoàn Pol Pot Ieng Sary gây ra vẫn khó có thể phai mờ theo thời gian, chuyện về cuộc chiến đẫm máu từ 40 năm trước vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người.
Vượt qua nỗi đau trong quá khứ, người dân vùng biên ngày nay luôn chung sức, chung lòng phấn đấu xây dựng quê hương, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và vun đắp thêm tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.
Kỳ 3: Tội ác chưa từng thấy trong lịch sử loài người
Trong cái đêm kinh hoàng 24/9/1977 ấy, ở trung tâm vụ thảm sát là cây số 39, lính Pol Pot gần như giết sạch cả ấp Tân Thành, vốn là nơi tập trung dân cư đông đúc nhất của xã Tân Lập (Tân Biên, Tây Ninh). Chỉ còn có 3 người sống sót một cách kỳ diệu. Sau khi bộ đội Việt Nam đánh đuổi bọn diệt chủng về bên kia biên giới, thì họ là nhân chứng sống tố cáo những tội ác không tưởng tượng nổi của tập đoàn ác thú.
Lúc chúng tôi tìm đến thì không ai còn biết họ ở đâu nữa, còn sống hay đã chết. Thật may mắn, câu chuyện kinh hoàng mà 3 con người sống sót kể lại sau thảm sát đã được ông Phạm Văn Cần ở trung tâm xã Tân Lập ghi chép lại cẩn thận. Đó là những bằng chứng đanh thép tố cáo tội ác chưa từng thấy trong lịch sử loài người của bọn ác thú Pol Pot.
Ông Cần bảo, một người phụ nữ sống sót tên là Nguyễn Thị Lán đã mất không lâu sau đó vì suốt ngày ám ảnh bởi những hành vi tàn độc của Khmer Đỏ.
Người đàn ông sống sót thứ 2 còn lại ở trung tâm vụ thảm sát tên là Tiến. Đêm đó, bọn Pol Pot bắt cả gia đình ông xếp thành hàng rồi giết từng người một. Ông Tiến bị chúng túm lấy tóc, đưa khẩu súng ngắn kê lên đầu rồi bắn. Giữa màn đêm đen thẫm, mưa như trút nước, không hiểu sao viên đạn chỉ sạt qua bên má, bay mất cái tai phải, ông Tiến nằm im giả chết. Rồi gặp lúc có tiếng sét cực lớn từ trên cao đánh xuống, ông vùng dậy chạy trối chết về phía rừng cao su. Thoát nạn, người thân mất sạch, ông Tiến bỏ ra ngoài bắc sinh sống, giờ không ai biết tung tích.
|
Ông Phạm Văn Cần. |
Một bà mẹ trẻ tên Thêm thì cũng phát điên sau khi được bộ đội Việt Nam cứu sống, vì chị ta đã chính tay giết chết đứa con của mình. Nghe kể, lúc phát điên, Thêm đi lang thang khắp nơi, tay ôm một cái gối nựng nịu, à ơi như đang chăm chút cho đứa con nhỏ đã mất của mình, rồi lại khóc ròng, vật vã bên đường, gặp ai cũng túm lấy rồi kêu gào thảm thiết: “Trời ơi, tao phải bóp mũi con tao để cứu mạng mấy người, nó mới sinh được 4 tháng, sao chúng mày ghê tởm đến như vậy”.
Không ai biết bà mẹ tội nghiệp này còn sống hay đã chết, hay còn lang bạt ở phương trời nào.
Cũng bởi, đêm hôm đó, cái hầm cạnh nhà mọi người đã ùa nhau chạy vào trốn chật cứng. Thêm cùng bố mẹ và hai người nữa không biết đi đâu giữa bốn bề lửa cháy, đành ra núp kín trong bụi mía. Một lát sau, quân Pol Pot kéo đến đông nghịt sục sạo khắp nơi, đứng cả trên miệng hầm. Nghe có tiếng trẻ con khóc, lính Khmer đỏ lôi từng người một ra bắn.
Điều ghê tởm nhất chính là việc trong khi chúng đang hành hình dân vô tội, thì mấy tên khác lôi người mẹ bế đứa con khóc ré lên khỏi hầm, lột sạch quần áo và hãm hiếp, xong tên chỉ huy cầm cái dùi gỗ đập thẳng vào đỉnh đầu. Chỉ nghe một tiếng “cốp” khô khốc, người phụ nữ nằm yên không cựa quậy. Đứa bé bị vứt sang một bên cứ kêu thét cho đến khi mệt lử, thấy mẹ trần truồng nằm đó, tức thì bò lại ngậm vào ti của mẹ để bú.
Một tên lính Pol Pot thấy vậy, liền cầm mũi giáo chọc thẳng xuống, nhấc bổng lên trời, rồi ném cả ngọn giáo lẫn đứa bé xấu số vào đống lửa đang bùng cháy.
Thêm sợ hãi nằm im thin thít, biết rằng nếu con mình nếu khóc thì những người núp trong bụi mía sẽ chịu chung số phận thảm khốc. Để cứu bố mẹ, cô đành ứa nước mắt bóp mũi cho đứa con trai mới 4 tháng tuổi từng được cả nhà cô yêu quý như vàng ngạt thở mà chết. Đổi lại, Thêm cùng bố mẹ xóm đêm đó thoát nạn.
Nhưng mấy ngày sau, bố mẹ cô cũng không còn khi quay lại chôn cất những thi thể đã bốc mùi nồng nặc ở miệng hầm của gia đình, họ bị trúng mìn của bọn ác thú gài lại. Trước những nỗi đau liên tiếp ập đến, Thêm trở nên điên loạn.
|
Rừng cao su nơi chứng tích vụ thảm sát Tây Ninh năm xưa. |
Ngay cái đêm vụ thảm sát diễn ra, ông Phạm Văn Cần đang trên rừng cùng với gia đình người em trai là Phạm Văn Đắc, cách ấp Tân Thành chừng 6km. Chính vì vậy ông chạy thoát. Nhưng bố mẹ, anh em, những người thân khác trong gia đình của ông trước đến giờ vẫn buôn bán ở cây số 39, bọn diệt chủng giết sạch không còn một ai.
Mấy ngày sau, tình hình yên trở lại, lúc ông Cần quay trở lại tìm người thân, thì không còn nhận ra đâu là bố mẹ, đâu là anh em, đâu là hàng xóm của mình nữa. Mọi người không chạy kịp nên đành chui vào hầm trú ẩn. Lính Khmer đỏ phát hiện, chúng không bắt từng người một ra bắn mà ném mấy quả lựu đạn xuống. Những con người vô tội ở phía dưới đành nằm yên chịu chết, thịt xương tan nát hết cả.
Lúc sang gia đình ông Ba Đồng ở gần đó, mọi người đều kinh hoàng bỏ chạy vì cảnh tượng quá hãi hùng. Chỉ có ông Cần với hai người nữa đủ can đảm tiến vào thu dọn hiện trường. Cả nhà ông Ba Đồng chết sạch, cũng không biết chôn ở đâu, ông Cần đành đào hố rồi lấp đất xuống, cắm một thanh gỗ cháy dở xuống làm dấu mốc.
|
Bia chứng tích tội ác diệt chủng Polpot ở Tây Ninh. |
Ông Ba Đồng vốn là một thợ rèn giỏi, chuyên rèn dao kéo bán ở biên giới. Hồi tháng 5, tháng 6 năm 1977, thường có những người lạ mặt qua đặt hàng ông làm với số lượng lớn, bảo là để sản xuất nông nghiệp. Ông có biết đâu một ngày lại bị giết bởi những sản phẩm do chính tay mình làm ra. Bi thảm hơn nữa chính là việc bà vợ ông vốn là người Campuchia, đang mang bầu được 6 tháng, cũng không thoát chết.
Nghe kể, lúc mọi người hô hào chạy trốn, ông Ba Đồng vẫn ngồi ở nhà, bảo rằng vợ gần sinh nở không thể chạy được, với trong nhà còn mấy triệu tiền Campuchia, sẽ đưa hết cho chúng, van lạy nhằm đổi lấy mạng sống. Hơn nữa, vợ mình là người Campuchia, chắc quân Pol Pot không nỡ giết.
Thế nhưng mấy ngày sau, lúc ông Phạm Văn Cần cùng mọi người quay lại cây số 39, chỉ thấy xác ông Ba Đồng bị trói cứng vào cây mít trước cửa, ánh mắt mở trừng trừng căm phẫn. Bọn ác thú lấy dao đâm thẳng vào bụng, ghim chặt ông vào cây mít như thể đóng đinh.
Có lẽ, những đau đớn khi bị dao đâm trước khi chết ấy không phẫn uất bằng việc chúng bắt ông Ba Đồng phải chứng kiến việc người vợ lẫn đứa con thân yêu sắp ra đời của mình bị hành quyết. Bởi lúc ông Cần cùng mọi người tìm vào, chỉ thấy bà vợ người Campuchia trần truồng nằm sõng soài dưới đất, trên người không hề có vết đạn bắn , chỉ có một vết dao kéo thằng từ ngực rạch xuống dưới bụng. Quân diệt chủng lôi cái thai nhi mới thành hình người ra, xé toang ra làm đôi, vứt chỏng chơ ngay bên cạnh xác mẹ.
Cảnh tượng bi thảm ấy khiến ông Cần cùng hai người nữa chứng kiến bất thần lặng đi, đứng run lẩy bẩy, rồi ôm mặt gào thét trong đau đớn.
Còn tiếp…