Ông Nguyễn Văn Hạnh (Ba Hạnh), cũng như những người dân khác ở xã Tân Lập, vốn ở rất nhiều vùng quê khác nhau, sau khi miền nam được giải phóng, họ về đây xây dựng kinh tế mới. Hồi đó, xã Tân Lập gồm 8 ấp, thì chỉ trong đêm 24/9/1977, 5 ấp gồm Bảy Bàu, Chằng Riệc, Tân Khai, Tân Chánh, Tân Thành bị tập đoàn diệt chủng phía bên kia biên giới tàn sát gần hết.
Nhắc đến đây, ông Ba Hạnh đưa tay lau nước mắt: “tôi khẳng định luôn là chúng nó cố ý giết hại dân mình, dã man nhà báo ơi”.
Ông bảo, quân Khmer đỏ không đánh các đồn biền phòng, hay doanh trại bộ đội vì sợ hỏa lực hùng hậu của quân đội nhân dân Việt Nam. Đêm đó, chúng chỉ âm thầm cho quân bao vây xung quanh, rồi cứ thế nã súng cối vào ầm ầm, không ai ra ngoài được, rồi một bộ phận khác lại đi theo những con đường trinh sát từ trước, lẻn vào tàn sát dân lành.
Chỉ trong vòng chưa đến 3 giờ đồng hồ trước khi quân đội phá vây và tiến vào xã, Tân Lập đã nhanh chóng trở thành một mảnh đất hoang tàn, xơ xác.
|
Ít ai hình dung nổi, đây là nơi trung tâm của vụ thảm sát đẫm máu hơn 40 năm trước |
“Ngay trong đêm mưa gió tàn khốc ấy, số người chạy thoát khỏi tội ác diệt chủng của quân Khmer Đỏ may chăng chỉ còn vài chục người. Mấy ngày sau, con số thiệt mạng lại càng tăng lên khi một số người dân bất chấp nguy hiểm, bất chấp sự can ngăn quay lại. Phần lớn họ đều chết vì những quả mìn do chúng gài lại dưới những xác chết trước khi bỏ đi.
Về sau, có thêm mấy người nữa phát bệnh, điên loạn vì những ký ức quá đỗi kinh hoàng trong đêm hôm đó, một số người khác bỏ đi biệt xứ. Giờ nhân chứng sống của sự kiện đẫm máu này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”, ông Hạnh ngậm ngùi.
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Tiếp, bà Vũ Thị Phượng ở ấp Tha La, xã Tân Phú (Tân Châu, Tây Ninh), họ là một trong số ít những người thoát nạn. Đúng vào ngày rằm, cả gia đình bày biện mâm cỗ la liệt, thắp hương khấn vái. Riêng ông Tiếp nghe hỏi chuyện cứ ngồi thẫn thờ, rồi rơm rớm đưa tay quệt nước mắt.
Ông bảo, những hình ảnh của hơn 40 năm trước xảy ra tại Tân Lập cứ hiện ra trước mắt, ám ảnh cả trong giấc ngủ. Nhiều đêm bất thần ông bật dậy la hét trong hoảng loạn: “quân Khmer đỏ nó đang giết dân mình, chạy mau…, cùng là con người với nhau cả, sao chúng mày ác độc đến như vậy…”, cả nhà phải an ủi mãi ông mới bình tâm trở lại.
Trong ký ức của vợ chồng ông, đó là đường làng, ngõ xóm, sàn nhà, bờ ao, trường học… nơi nào cũng có xác chết. Xác người ngổn ngang, chồng chất, chết đủ các tư thế,. Xác người lẫn lộn, bầy nhầy không biết của ai với ai.
|
Đối với vợ chồng ông Tiếp, ký ức kinh hoàng đêm thảm sát Tây Ninh hơn 40 năm trước luôn hiện hữu. |
Cây cối, vườn tược, đến cái chum đựng nước cũng bị quân Khmer đỏ phá phách, đập vỡ. Có những em bé chưa đầy tuổi bị đập đầu bằng báng súng. Nhiều thanh niên có lẽ do kháng cự bị chúng cắt cổ, moi mắt, phanh thây, xé xác .
Chưa hết, trong cái đêm bi thảm ấy, chúng còn chơi trò đắp xác người xem nhóm nào làm đc cao hơn, thế là cứ giết, rồi tấp vào thành 1 đống, hòa với mưa, với máu, tiếng la khóc vang trời dậy đất.
Có lẽ, người đàn ông khốn khổ này gần như là nhân chứng sống duy nhất chứng kiến đầy đủ những hành vi man rợ của tập đoàn PolPot. Mà cũng chính vì thế mà những hình ảnh đau thương ấy nó cứ ám ảnh ông cho đến tận bây giờ.
Ông Tiếp kể, hồi trước, nhà ông cách biên giới với Campuchia chả bao xa. Đêm đó là thứ 7, lúc đó cả nhà đang ngôi nghe chương trình cải lương. Hàng xóm cách nhà ông chừng trăm mét là của vợ chồng ông Tư Cang, lúc nào cũng ngủ sớm và dậy làm bánh bò từ 12h đêm. Vợ ông Tư Cang ra ngoài vườn đi vệ sinh, thì bất ngờ nghe thấy trong vườn chuối cạnh đó có tiếng sột soạt, rồi có tiếng Campuchia thì thầm, tức thì chạy sang nhà ông Tiếp báo tin bởi ông Tư Cang cũng đang xem cải lương ở đó. Nghe vợ bảo sao người lạ lại ở trong vườn nhà mình, ông chồng tức tốc chạy ra ngoài gọi hàng xóm.
Ông Tiếp đang chuẩn bị đi ngủ, thì nghe tiếng tri hô của ông Tư Cang, tiếng hô chưa dứt đã tắc nghẹn như bị đâm dao vào cổ, rồi kèm theo đó là 1 loạt đạn khô khốc, tức thì bảo vợ và người nhà nhanh chóng trốn ra ngoài vườn, men theo những bụi mía, rồi ba chân bốn cẳng chạy thục mạng về hướng đông.
Chỉ được một lát, tiếng súng nổ liên hồi, tiếng người kêu khóc thảm thiết. Ông Tiếp ra đến cây số 39 núp kỹ trong bụi rậm, quay lại thì thấy quân lính Khmer đỏ mặc quần áo màu đen đi đầy ra ngoài đường, tay cầm đuốc đốt nhà, một số tên khác cầm dao búa cứ thấy có ai bị thương, nằm trúng đạn không chạy được thì chém cho chết hẳn. Chúng hô hào ầm ỹ: “đốt đi, giết đi, giết cho bằng hết”, bằng tiếng Cam.
Có một người mẹ ôm 2 đứa con nhỏ, chạy không kịp đành núp vào trong bụi tre. Đứa trẻ không biết gì nghe tiếng súng cứ khóc ré lên. Đám lính Polpot đi qua nghe thấy, chúng không bắn, mà ngồi quây xung quanh, chĩa lưỡi lê nhọn hoắt. Mặc cho người đàn bà tội nghiệp lạy lục van xin tha mạng, chúng lạnh lùng mang cả can xăng tưới vào bụi tre rồi châm lửa đốt, chờ đến khi cái bóng đén quẳn quại đổ sụp mới cười sằng sặc bỏ đi.
|
Ông Nguyễn Văn Tiếp. |
Kinh hồn, ông Tiếp cứ cắm đầu cắm cổ chạy, mặc cho hàng loạt đạn bắn liên tiếp đuổi theo đằng sau. Ra đến bìa rừng cao su, lả hết cả người, ông mới biết mình còn sống. Thật may mắn là vợ và 2 đứa con của ông cũng chạy thoát, mọi người gặp nhau mừng mừng tủi tủi.
Đến sáng, sau cơn mưa trắng trời suốt mấy tiếng đồng hồ, tiếng súng cũng chỉ còn lẻ tẻ, tưởng tình hình đã yên, ông Tiếp cùng bà Phượng đánh liều mò ra khỏi bìa rừng, tìm về nhà với hy vọng nhặt nhạnh được một ít đồ dùng nào đó, thì nhà ông chỉ còn là một đống tro bụi, tất cả đều đã cháy thành than.
Đi giữa những xác chết, mùi tử khí bốc lên nồng nặc. Bất chợt, vợ ông kêu rú lên, rồi ôm mặt bỏ chạy về rừng cao su khi bà Phượng nhìn thấy một bé gái chừng mười hai, mười ba tuổi, không một mảnh vải che thân, nằm ngửa, chết cứng với chiếc cọc tre đâm thẳng xuống cửa mình.
Cạnh đó là một người phụ nữ trung niên chết trong tư thế nằm úp sấp xuống mặt đường. Có vẻ người đàn bà này trước đã bị thương nặng và không chạy trốn kịp, đói khát vì mất máu quá nhiều. Bà ta cố ngóc lên, bàn tay vẫn chới với, như tìm kiếm một cái gì đó nhưng vô hiệu quả. Trên lưng bà là một con dao gắm cắm ngập lút cán, và những vết cắt chi chít.
Những tử thi co quắp, rồi cách đoạn lại là những vũng máu lớn đông đặc, bốc mùi tanh hôi đến lợm giọng, cảnh tượng quá hãi hùng, đến bản thân ông Tiếp vốn từ trước đến giờ có tiếng gan dạ cũng cảm thấy bủn rủn hết chân tay. Ông quay lại chạy theo vợ, rồi sau đó đưa cả gia đình về sống ở ấp Tân Châu luôn. Từ đó cho đến nay đã hơn 40 năm, ông không bao giờ dám quay trở lại vùng đất đau thương cũ nữa, cho dù hòa bình đã trở lại, cuộc sống đã bình yên, nhưng ký ức đau buồn thì luôn luôn ám ảnh.
Còn tiếp…