1. Chùa Phật tích
|
Vẻ thanh tịnh nơi đây khiến bạn như muốn trút bỏ lại mọi ưu phiền (Ảnh: My tour). |
Nằm ở bên núi Vạn Phúc (xã Phật Tích, huyện Tiên Du), ngôi chùa xưa có tên là Vạn Phúc Tự - một trong những nơi được truyền bá Phật giáo sớm nhất từ Ấn Độ vào Việt Nam.
Từ Hà Nội, chỉ mất khoảng 20 km, bạn đã có thể đặt chân đến chùa Phật Tích, một di tích văn hóa tiêu biểu quốc gia với những cổ vật lớn của Phật giáo được lưu giữ. Ngôi chùa với không gian thanh tịnh, cổ kính như khiến bạn để lại hết ưu phiền của cuộc sống ở phía ngoài.
Du khách sẽ được chiêm bái nhiều tượng Phật lớn nhỏ, tượng Phật A di đà có niên đại từ thời nhà Lý làm bằng đá xanh nguyên khối cao 1,85 m, được xem là tượng Phật bằng đá thời Lý cổ nhất miền Bắc. Trên đỉnh núi Phật Tích là bức tượng cao 27 m được chạm khắc tinh xảo.
Ngoài ra, ngôi chùa còn sở hữu 5 cặp linh thú bằng đá lớn nhất Việt Nam; pho tượng táng của thiền sư Chuyết Chuyết; 32 bảo tháp (thế kỷ XVII – thế kỷ XX)…
2. Chùa Bút tháp
Du ngoạn Bắc Ninh ngày xuân, bạn không thể bỏ qua ngôi chùa Bút tháp cổ nằm bên bờ sông Đuống.
|
Ngôi chùa là di tích quốc gia đặc biệt của nước ta (Ảnh: Hành trình phương Đông). |
Dù đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa nhưng chùa vẫn giữ được những nét nguyên sơ hấp dẫn bởi vẻ đẹp độc đáo về nghệ thuật kiến trúc và không gian yên bình.
Tại đây bạn có thể chiêm ngưỡng nhiều pho tượng cổ và quý. Trong đó, nổi bật nhất là pho tượng Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam, cao 2,35 m.Trong chùa nhiều loại cây như hoa đại, hoa sen, mẫu đơn…đặc biệt là cau. Những hàng cau xanh ngắt trải dài thẳng tắp bên cạnh ngọn tháp tạo không gian thanh tịnh khiến ngày càng nhiều du khách đến đây.
3. Chùa Dâu
Chùa Dâu là ngôi chùa Phật giáo cổ xưa nhất Việt Nam, có tên gọi khác là chùa Diên Ứng, nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành.
|
Chùa Dâu với không gian cổ kính, yên bình (Ảnh: Mytour). |
Du khách đến chùa Dâu vô cùng thích thú với không gian thanh tịnh của miền quê yên ả, hiền hòa. Chùa Dâu cổ kính, rêu phong, ẩn mình giữa những tán lá, lùm cây tạo trong lòng người cảm giác tĩnh tại và như lạc vào không gian của Kinh Bắc xưa.
Vào dịp 8/4 (âm lịch) hàng năm, rất nhiều khách thập phương về dự lễ hội chùa Dâu được tổ chức với những nghi lễ trang nghiêm. Du khách sẽ được tham gia vào các hoạt động sinh hoạt dân gian truyền thống, trò diễn xướng phong phú, mang đậm nét văn hóa của dân tộc.
Theo Phương Hoa/Dân Việt