Quy định mới về tuổi nghỉ hưu cho giáo viên
Nghị định 135/2020/NĐ-CP ban hành ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Giáo viên làm việc trong điều kiện bình thường, bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trên.
Để hướng dẫn tuổi nghỉ hưu từ 01/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, thời điểm nghỉ hưu, thời điểm hưởng chế độ hưu trí, các trường hợp được nghỉ hưu sớm…
Quy định về tuổi của người đi học cử tuyển
Quy định này có hiệu lực từ ngày 23/1/2021. Đây là một trong những tiêu chuẩn chung về tuyển sinh theo chế độ cử tuyển, được quy định tại Điều 6 Nghị định 141/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, tiêu chuẩn chung về tuyển sinh theo chế độ cử tuyển gồm:
Thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này.
Đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển;
Không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.
Ngoài các tiêu chuẩn chung này, người được cử tuyển vào cao đẳng hay đại học còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể theo quy định.
Quy định chuẩn giáo viên Giáo dục quốc phòng và an ninh
Đây là một trong những nội dung tại Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT về Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) cấp trung học phổ thông (THPT), có hiệu lực từ ngày 11/01/2021 và thay thế Thông tư 02/2017/TT-BGDĐT ngày 13/01/2017.
Theo Chương trình môn GDQP&AN cấp THPT, giáo viên GDQP&AN được quy định thống nhất theo Luật Giáo dục, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nghị định của Chính phủ và Thông tư quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
100% giáo viên có trình độ được đào tạo đạt chuẩn hoặc trên chuẩn; được xếp loại đạt trở lên theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; giáo viên được đảm bảo các quyền theo quy định của Điều lệ trường THPT và của pháp luật; giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn về dạy học theo chương trình GDPT và đặc thù môn học.
Về thời lượng thực hiện chương trình GDQP&AN cấp THPT: Thời lượng thực hiện chương trình ở các lớp: Tổng thời lượng cho cả môn học là 105 tiết, trong đó: Lớp 10: 35 tiết, lớp 11: 35 tiết, lớp 12: 35 tiết. Căn cứ vào chương trình năm học các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm đủ thời gian.
Thí sinh được đi muộn khi thi tuyển công chức, viên chức
Ngày 20/01/2021, Thông tư 6/2020/TT-BNV của Bộ Nội vụ có hiệu lực sẽ bổ sung một số quy định thí sinh phải thực hiện khi thi tuyển công chức, viên chức.
Trong đó quy định rõ, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định. Trường hợp thí sinh dự thi đến chậm quá 30 phút tính từ khi bắt đầu giờ làm bài thi thì không được dự thi...
Như vậy, so với quy định trong Thông tư 03/2019/TT-BNV, thí sinh phải có mặt đúng giờ thì theo Thông tư 6/2020, thí sinh được đi muộn không quá 30 phút tính từ khi bắt đầu giờ làm bài thi.
>>> Mời các bạn xem thêm video: Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1 năm 2021
Nguồn: Cuộc sống quanh ta
Theo tienphong.vn