Trung tâm Y tế Hàng không thuộc Cục Hàng không Việt Nam vừa bị phát hiện nhân bản hơn 600 phiếu siêu âm tim cho phi công, tiếp viên, nhân viên hàng không.
Cụ thể, Hội đồng đánh giá kết quả giám định sức khỏe nhân viên hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) đã xác nhận việc nhân bản hơn 600 phiếu âm tim tại Trung tâm Y tế Hàng không xảy ra từ tháng 7-11/2019. Trong đó, 154 hồ sơ sức khỏe phi công giám định sức khỏe lần đầu và 470 hồ sơ sức khỏe tiếp viên khám tuyển có phiếu siêu âm tim có các chỉ số giống nhau.
Kết quả kể trên cho thấy 100% hồ sơ sức khỏe của phi công mới cùng 100% hồ sơ sức khỏe tiếp viên hàng không mới trong 4 tháng bị gian lận về phiếu siêu âm tim.
|
Hàng trăm phiếu siêu âm tim được nhân bản có chỉ số giống nhau.
|
Đáng chú ý, tất cả các phiếu siêu âm tim nói trên đều do bác sĩ Lê Minh Tuấn, đang công tác tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc ký. Ông Tuấn được Trung tâm Y tế Hàng không thuê làm siêu âm tim cho phi công và tiếp viên. Tuy nhiên qua rà soát, ông Tuấn khẳng định, tất cả chữ ký tại các phiếu siêu âm đều là giả mạo.
Dư luận cho rằng, việc “nhân bản” 600 phiếu âm tim của phi công, nhân viên hàng không, tiếp viên không nhưng làm trái quy định của Bộ GTVT, Bộ Y tế mà còn là sự coi nhẹ an toàn bay và tính mạng của hàng trăm hành khách trên chuyến bay.
Coi nhẹ an toàn bay, tính mạng hàng trăm hành khách
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nói rằng, bản thân ông cảm thấy rất kỳ lạ và không thể hình dung sao lại có thể làm “nhân bản” như vậy.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên.
“Có lẽ không chỉ tôi mà người dân cũng rất sửng sốt về việc nhân bản phiếu siêu âm tim cho phi công, tiếp viên, nhân viên hàng không như vậy. Trong ngành y, lương y như từ mẫu nhưng thi thoảng lại xảy ra những vụ việc, vấn đề gây bức xúc cho người dân. Tại sao trong ngành y lại có một bộ phận, một nhóm người mà lại lạm dụng nghề nghiệp, lợi dụng, thực hiện những hành vi gây ảnh hưởng rất lớn cho cộng đồng.” - Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Theo đại biểu Hòa, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ, cụ thể hơn để xác định tại sao lại có việc “nhân bản” hơn 600 phiếu siêu âm tim cho phi công như trên.
“Có thể thấy, việc “nhân bản” các phiếu siêu âm tim này để đối phó các cơ quan chức năng, gây khó khăn cho cơ quan Giám định sức khỏe, giám định y tế để trục lợi cho riêng tư. Do đó cần phải làm rõ. Chuyện này xảy ra rất lạ lùng. Bởi nhân viên hàng không, tiếp viên hàng không, thậm chí là các phi công. Đây là các đối tượng phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Bởi những người này có liên quan đến tính mạng của hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến bay, nhất là phi công. Chỉ cần phi công có vấn đề sức khỏe khi thực hiện nhiệm vụ sẽ hết sức nguy hiểm” - Đại biểu Hòa cho biết.
Đồng thời, đại biểu Hòa cho rằng, cơ quan điều tra cần phải vào cuộc làm rõ, thậm chí truy cứu những ai có hành vi mất nhân tính, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của nhiều người dân như vậy.
Có dấu hiệu tội phạm?
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, sự việc trên hết sức nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm. Bởi vậy, vấn đề này cần phải làm rõ và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu của tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu con dấu giả và tội giả mạo trong công tác.
Luật sư Cường phân tích, theo quy định của pháp luật, việc khám bệnh phải thực hiện theo đúng luật khám chữa bệnh, người khám bệnh phải là người có chuyên môn, thực hiện các thủ tục khám bằng các dụng cụ, thiết bị y tế và có kết luận về tình trạng sức khỏe sau khi khám mới có kết luận về sức khỏe của bệnh nhân.
Với sức khỏe của phi công càng phải thận trọng bởi đặc thù công việc này nằm trong tay tính mạng của hàng trăm người. Nếu một phi công không đảm bảo điều kiện sức khỏe, đặc biệt là về tim mạch, hoàn toàn có thể xảy ra các vụ tai nạn hàng không và hậu quả sẽ rất thảm khốc, không mấy khi vụ tai nạn hàng không mà lại có người sống sót...!
Do đó, cơ quan chức năng cần tiến hành thu giữ các giấy chứng nhận sức khỏe này để tiến hành giám định con dấu và chữ ký trên các giấy khám sức khỏe này.
Nếu các giấy khám sức khỏe này là giấy tờ giả, chữ ký giả hoặc con dấu giả thì đây là tài liệu giả. Người làm tài liệu giả và người sử dụng tài liệu con dấu giả này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu con dấu giả.
Theo quy định tại điều 341 BLHS 2015 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, người làm giả các giấy khám sức khỏe này và người biết là giấy tờ giả nhưng vẫn cố tình sử dụng giấy tờ giả này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt có thể lên đến 7 năm tù.
Ngoài ra, người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu, tẩy sửa chữ ký, con dấu của người khác, làm cấp giấy tờ giả thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giả mạo trong công tác theo quy định tại điều 359 Bộ luật sự năm 2015, với mức hình phạt có thể lên đến 20 năm tù.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Luật sư Cường cho rằng, vấn đề này, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ việc nhân bản các giấy chứng nhận sức khỏe này chính là hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức. Nếu người không có chức vụ quyền hạn sẽ bị xử lý về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức, người có chức vụ, quyền hạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác. Còn đối với người sử dụng tài liệu con dấu giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng tài liệu con dấu giả theo điều 341 BLHS năm 2015.
“Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, việc khám sức khỏe qua loa hoặc không khám mà lại nhân bản các phiếu xét nghiệm, các giấy chứng nhận sức khỏe không đúng với tình trạng sức khỏe của phi công sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, đe dọa an ninh an toàn hàng không và ảnh hưởng xấu đến việc quản lý hành chính của cơ quan nhà nước, gây ra những hệ lụy, tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ sớm xác minh làm rõ để xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không và đảm bảo việc quản lý hành chính Nhà nước được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật” - luật sư Cường cho hay.
Đến thời điểm hiện tại Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Hàng không siêu âm tim lại cho hơn 600 trường hợp nói trên, đồng thời đề nghị đình chỉ hai bác sĩ Lê Minh Tuấn và Nguyễn Tuấn Anh khỏi hệ thống giám định sức khỏe nhân viên hàng không của Trung tâm.
Theo quy trình, một hồ sơ sức khoẻ của phi công trước khi chuyển lên Hội đồng đánh giá kết quả Giám định sức khỏe nhân viên hàng không phải qua thẩm định của Hội đồng của Trung tâm Y tế Hàng không, trực tiếp do Giám đốc Trung tâm làm Chủ tịch Hội đồng. Tuy nhiên, 600 hồ sơ nói trên vẫn “chui” lọt qua hội đồng của Trung tâm Y tế Hàng không nhưng không ai phát hiện ra sai sót.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sử dụng phi công Pakistan: Các hãng hàng không nói gì?
Hải Ninh