“Nhái” văn bản của Bộ GD-ĐT: Kỷ luật 2 “sếp” cấp Vụ nhẹ tênh?

Google News

"Hình thức kỷ luật đối với 2 chuyên viên và 2 Lãnh đạo cấp Vụ là tương đối sát với quy định của pháp luật, cũng như quy định của Đảng" - luật sư Vũ Tuấn nhận định.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ngô Thị Minh vừa ký ban hành quyết định kỷ luật đối với các cán bộ liên quan đến sự việc cấp dưới “nhái” Kế hoạch số 26/BGDĐT ngày 8/1/2021 của Bộ GD&ĐT.
“Nhai” van ban cua Bo GD-DT: Ky luat 2 “sep” cap Vu nhe tenh?
  Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng và bà Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên.
Theo đó, ngày 12/8 Bộ GD&ĐT ban hành các quyết định kỷ luật đối với 4 công chức thuộc Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên.
Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng và bà Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng. Kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 2 chuyên viên của Vụ này.
Ông Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ GD&ĐT cho biết, quá trình xác minh và xử lý kỷ luật, các công chức có liên quan đến sự việc đã nhận thức rõ hành vi và trách nhiệm của mình. Việc xử lý kỷ luật đã được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Trước đó, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên đã tự ý ký giấy mời tổ chức Hội thảo phối hợp với Hội đồng Anh khi chưa báo cáo Thứ trưởng Ngô Thị Minh trước khi ký. Dùng Kế hoạch số 26/BGDĐT ngày 8/1/2021 đã bị điều chỉnh nội dung để chuyển Văn thư Bộ phát hành giấy mời.
Sự việc thứ 2 là tự ý sửa nội dung và phụ lục Kế hoạch số 26/BGDĐT ngày 8/1/2021, sử dụng phiên bản đã tự ý sửa để phát hành công văn, giấy mời tổ chức khảo sát, kiểm tra, tập huấn, hội thảo mà không báo cáo Thứ trưởng.
Ngoài ra, mặc dù chưa được ủy quyền ký thừa lệnh, nhưng Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng đã tự ý ký thừa lệnh Bộ trưởng sai quy định.
“Nhai” van ban cua Bo GD-DT: Ky luat 2 “sep” cap Vu nhe tenh?-Hinh-2
Luật sư Vũ Tuấn - Văn phòng luật Hưng Việt.
Luật sư Vũ Tuấn - Văn phòng luật Hưng Việt nhận định, căn cứ khoản 2, khoản 3 điều 7 nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức như sau: Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; và nặng nhất là  buộc thôi việc.
Còn đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mức kỷ luật lần lượt là: khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; cách chức; và nặng nhất là buộc thôi việc.
"Như vậy, các hình thức kỷ luật khiển trách và cảnh cáo là các hình thức kỷ luật nhẹ nhất trong khung quy định. Mặc dù nghe thì có thể thấy việc kỷ luật này khá nhẹ nhàng, nhưng đối với công chức và đặc biệt là đối với công chức giữ chức danh lãnh đạo (Vụ trưởng, Phó vụ trưởng) thì tương đối ảnh hưởng, bởi ngoài chế tài xử lý kỷ luật với vai trò là công chức, còn bị ảnh hưởng bởi các quy định xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm" - luật sư Tuấn nói.
Theo khoản 11 điều 2, Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định về nguyên tắc xử lý lỷ luật: Đảng viên vi phạm kỷ luật sẽ không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.
Theo khoản 5, điều 14 Quy định số105-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử: Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất 1 năm kể từ khi có quyết định kỷ luật. Đảng viên bị kỷ luật cách chức trong vòng 1 năm kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn.
Cán bộ đang trong thời gian xem xét kỷ luật thì chưa đưa vào quy hoạch; chưa xem xét bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn.
"Như vậy, có thể thấy hình thức kỷ luật đối với 2 chuyên viên (Công chức) và 2 Lãnh đạo vụ (Công chức giữ chức danh lãnh đạo) là tương đối sát với quy định của Pháp luật, cũng như quy định của Đảng" - Luật sư Tuấn nói.
>>> Mời quý độc giả xem video: Kỷ luật cán bộ lơ là phòng dịch ở Vĩnh Phúc: "Đây là việc cực chẳng đã"

Nguồn: Báo Lao Động


Hiểu Lam - Văn Đạt