Người dân không được vào địa bàn phải mắc lán ngủ dưới mưa là sai sự thật

Google News

Hình ảnh 4 người dân huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu mắc lán ngủ gần khu vực chốt kiểm soát dịch Covid-19 trong lúc chờ cơ quan chức năng xác minh yếu tố dịch tễ thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chủ tịch UBND huyện Than Uyên Lò Văn Hương sáng nay (16/8) xác nhận với VietNamNet, tại chốt kiểm soát dịch số 2, xã Mường Kim mới đây có trường hợp 4 công dân về từ vùng dịch mắc lán ngủ gần chốt kiểm soát.

Cụ thể, khoảng 3h sáng 15/8, tổ công tác tại chốt Mường Kim tiếp nhận làm việc với nhóm 4 công dân đi trên 2 chiếc xe máy hướng từ Yên Bái theo quốc lộ 32 về huyện Than Uyên. 

Bốn người gồm anh Lò Văn Nguyên (SN 1992, trú tại xã Hua Nà), anh Lò Văn Luấn (SN 1998, trú tại xã Pắc Ta), anh Lò Văn Thương (SN 1998, trú tại xã Pắc Ta) và Lò Văn Hải (SN 2000, trú tại xã Phúc Than). Cả bốn người đều là công dân huyện Than Uyên.

Nguoi dan khong duoc vao dia ban phai mac lan ngu duoi mua la sai su that

Hình ảnh nhóm công dân mắc lán ở ven đường lan truyền trên các trang mạng xã hội. Ảnh: XĐ

Tại chốt kiểm soát, do có 3/4 người khai báo y tế không trung thực và có yếu tố dịch tễ phức tạp (đi từ vùng dịch và vùng cách ly y tế theo Chỉ thị 16 của Chính phủ) nên tổ công tác yêu cầu nhóm công dân trên dừng tại chốt để rà soát lịch trình và xác minh kĩ yếu tố dịch tễ. 

Trong quá trình chờ đợi xác minh kéo dài nhiều giờ đồng hồ, khoảng 8h sáng cùng ngày, nhóm 4 người rời khỏi chốt để dựng lán cách đó khoảng 400m để chờ hoàn tất các thủ tục.

Đến 19h cùng ngày, sau quá trình xác minh, tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính với 3 người gồm anh Luấn, Thương và Nguyên vì cố tình ra khỏi vùng phong tỏa y tế và khai báo không trung thực. Sau đó, cả 3 người được đưa đến khu cách ly tập trung của huyện để thực hiện cách ly theo quy định. 

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, theo lãnh đạo huyện Than Uyên, hình ảnh mắc lán ngủ ven đường quốc lộ của nhóm 4 người nêu trên được đăng tải lên các trạng mạng xã hội kèm theo các bình luận về việc "chính quyền tỉnh Lai Châu đóng cửa không tiếp nhận công dân", "xót xa đồng báo có nhà không được về"... thu hút quan tâm dư luận.

"Các bình luận cùng hình ảnh đi kèm làm sai lệch bản chất vụ việc và nỗ lực chống dịch trong suốt thời gian qua của địa phương", ông Hương nói và cho biết, thời điểm tiếp nhận 4 công dân nêu trên, tổ công tác đã mời họ ở lại khu cách ly tạm thời được chuẩn bị trước để đón tiếp người dân. Tuy nhiên, do đợi lâu nên nhóm công dân xin phép rời khỏi chốt và lập lán ven đường. 

"Vị trí lán cách chốt khoảng 400 m, tuy nhiên do đường núi gấp khúc nên cơ quan chức năng không phát hiện ra. Sau khi phát hiện nhóm công dân có yếu tố dịch tễ phức tạp, chúng tôi tạm thời dùng phương án cho họ ở tại chỗ để hoàn tất quá trình xác minh", ông Hương nói và cho biết, tổ công tác còn tiếp tế lương thực cho nhóm công dân nêu trên. 

Nguoi dan khong duoc vao dia ban phai mac lan ngu duoi mua la sai su that-Hinh-2

Ba công dân được đưa đi cách ly tập trung sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan

Lý giải về việc để người dân chờ nhiều giờ đồng hồ và mắc lán ở ven đường, ông Hương cho biết, nguyên nhân là do tổ công tác phải kết nối, rà soát với hàng chục chốt tại các tỉnh mà nhóm công dân trên đi qua. Quá trình này mất nhiều thời gian tổ công tác mới có đủ dữ liệu về dịch tễ. 

"Sau khi rà soát với các chốt ở tỉnh Yên Bái, được biết, nhóm công nhân đều khai báo y tế là xuất phát từ tỉnh Bắc Giang và có giấy xét nghiệm âm tính từ tỉnh này nên được qua chốt", ông Hương nói. 

Anh Lò Văn Nguyên (một trong 4 công dân nêu trên)  nói với VietNamNet, anh cùng hai người đang thực hiện cách ly tập trung theo sự sắp xếp của chính quyền huyện Than Uyên. Trước khi về tỉnh Lai Châu, anh Nguyên làm công nhân tại phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. 

Để về được quê, ngày 12/8, anh đi bộ từ Hà Nội lên Bắc Giang, tại đây sau khi làm thủ tục test nhanh Covid-19 cho kết quả âm tính anh cùng 3 người đi xe máy về Than Uyên, Lai Châu. 

"Quá trình khai báo tại chốt tôi đã khai không trung thực khi không đề cập điểm xuất phát từ Hà Nội. Sau khi cán bộ ở chốt phát hiện nên chúng tôi phải chờ việc rà soát thông tin kéo dài nhiều giờ nên đã mắc lán ở ven đường từ khoảng 9h sáng đến 18h tối", anh Nguyên nói và cho biết, khi người nhà đưa cơm đến chốt, cán bộ tại đây đã đưa các suất cơm đến tận nơi. 

Ông Bùi Tiến Thanh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu khẳng định thông tin Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh không cho 4 công dân người Lai Châu về từ vùng dịch vào địa bàn, phải ngủ ven đường giữa mưa là sai sự thật.

"Việc dựng lán ven đường là hành động tự phát của công dân, 3/4 công dân khai báo gian dối về lịch trình của bản thân trong 14 ngày qua nên chính quyền phải rà soát chặt chẽ theo quy định", ông Thanh nói.

Thông báo số 91 ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh Lai Châu quy định, công dân của tỉnh và các địa phương khác khi vào địa bàn tỉnh nếu thuộc đối tượng cách ly thì thực hiện cách ly theo quy định.

Nếu không thuộc đối tượng cách ly thì phải xuất trình phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong thời gian 72 giờ hoặc bằng test nhanh trong thời gian 48 giờ, nếu không có phiếu xét nghiệm phải thực hiện test nhanh có thu phí tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 trước khi vào địa bàn tỉnh. 

Từ ngày 6-15/8 tỉnh Lai Châu tiếp nhận 131 công dân trở về từ vùng dịch (Hà Nội: 119; Hải Dương 7; Bình Dương 4; Nha trang 1) và đã thực hiện cách ly y tế theo quy định. 

 
Theo Đoàn Bổng/Vietnamnet