Báo điện tử VTC News xin đăng tải lại bài viết trên trang facebook cá nhân của nhà báo Trần Đăng Tuấn:
Cách đây 15-16 năm, tôi có thời gian đại diện Đài truyền hình Việt Nam làm việc rất nhiều lần với Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Kim Ngân về cơ chế tài chính cho Đài Truyền hình Việt Nam.
Vào thời điểm đó, một cơ chế khoán thu chi cho VTV đã là một cái không hề có tiền lệ. Quan niệm chung vẫn cho rằng Đài TH Quốc gia thì không nên dính chuyện khoán tiền nong, chuyện kinh doanh.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. |
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (và Vụ trưởng Vụ Văn Xã Trần Thu Hà) ngay từ đầu ủng hộ tuyệt đối VTV thay đổi cơ chế tài chính. Chị cùng chúng tôi soạn thảo và rà soát từng ý trong đề án cho VTV tự chủ. Chúng tôi thảo luận rất thẳng thắn, kể cả tranh luận, nhưng đều chung quyết tâm thuyết phục cho được cấp trên thông qua cơ chế này. Nó sẽ là cơ chế không chỉ cho VTV mà cho tất cả các đơn vị truyền hình có tiềm năng thu lớn nhưng bị cơ chế kẹp chặt. Nhưng đề án này gặp sức cản không nhỏ.
Hai lần Thủ tướng (khi đó là ông Phan Văn Khải) có ý kiến ủng hộ mà vẫn chưa quyết được. Trong lần cuối xem xét việc này, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng triệu tập nhiều bộ ngành liên quan họp để có quyết định cuối cùng, tôi thay mặt VTV đến dự. Khi đến nơi, thấy chị Ngân không đến mà là người khác thay mặt Bộ Tài chính, tôi lo tái người. Vì đồng minh nặng cân nhất của VTV, am hiểu và lập luận chặt chẽ nhất không có mặt thì rủi ro rất cao (Chị Ngân đi công tác vắng).
Quả thật cuộc họp đối với VTV là kịch tính. Vị thứ trưởng đi họp thay chị Ngân nhiệt thành ủng hộ VTV nhưng không nắm được cặn kẽ vấn đề, nên có một số câu trả lời không thật sát thực tế chuẩn bị, bị người ta vặn lại.
Tôi nhớ khi đó chính Thủ tướng còn hỏi: "Sao chị Ngân không họp?". Ý kiến phản đối thì nhiều. Bộ Kế hoạch và đầu tư phản đối, tổ tư vấn của Thủ tướng phản đối, mấy nơi khác cũng thế... Giá như có chị Ngân, tình huống chắc chắn không đến nỗi thế này.
Đặc biệt có vị còn nói: "Thưa Thủ tướng, bây giờ cho Truyền hình cơ chế khoán là rất nguy hiểm. Nhìn tấm gương thời Elsin bên Nga, có biến truyền hình nhà nước trở cờ hết. Giờ Putin lên phải nắm lại...". Dù hết sức kiềm chế, tôi cũng đã phải "bật" lại gay gắt.
Thủ tướng Phan Văn Khải phân vân. Ông đứng dậy đi ra góc phòng hút thuốc. Rất may sau đó, một Phó Thủ tướng, với phong cách đặc biệt dân dã vốn có, thủng thẳng: "Cơ chế này thử nghiệm. Người ta mới xin thử nghiệm mà đã giãy nảy lên không cho thì đổi mới thế nào được. Tôi đồng ý với đề xuất của Bộ Tài Chính và VTV".
Sau khi Thủ tướng ra quyết định (tôi nhớ tháng 6/2000), chị Ngân đã giúp thúc đẩy thực hiện nhanh cơ chế mới và VTV thực sự "sổ lồng". Từ đó đến 2005 VTV đã lần lượt trải qua Khoán Thu chi; Tự chủ tài chính; và cuối cùng là cơ chế tài chính doanh nghiệp nhà nước.
Nếu không có sự ủng hộ của Bộ Tài chính mà người cụ thể làm việc này là Thứ trưởng Ngân, chắc chắn VTV không có sức bật trong thời gian đó và không thể có tiềm lực phát triển sau đó. Bởi làm truyền hình mà không có tiền, không có quyền tự chủ về tiền thì chỉ có thể làm... lấy lệ mà thôi.
Thời gian chị Ngân là Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách Văn Xã, thực tế là giai đoạn thay đổi cơ chế tài chính mạnh mẽ cho các đơn vị sự nghiệp có thu, bao gồm cả văn hoá và y tế.
Tôi chúc mừng Bà Nguyễn Thị Kim Ngân ở cương vị Chủ tịch Quốc Hội. Tôi chúc Bà thành công trong giai đoạn nhiều khó khăn này.
Mời quý độc giả xem video:
Theo VTC News