Người thi hành công vụ hiểu sai, lạm dùng chức vụ trong chống dịch COVID-19

Google News

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biếtcó trường hợp người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai hoặc thậm chí lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Không ít hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 đã được Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu ra trong báo cáo thẩm tra của mình.
Người thi hành công vụ hiểu sai
Công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 là nội dung được ưu tiên trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Vì vậy, bên cạnh báo cáo riêng của Chính phủ, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng có báo cáo thẩm tra, lưu ý không ít bất cập trong thực tiễn, nhất là từ khi bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4.
Nguoi thi hanh cong vu hieu sai, lam dung chuc vu trong chong dich COVID-19
 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo.
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết trong thẩm quyền của mình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, kịp thời ban hành trên 100 văn bản đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân trên hết và trước hết.
Tuy nhiên, đến phần hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương để tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn thì đôi lúc chậm, hoặc chưa phù, việc đánh giá tác động trước khi ban hành còn hạn chế.
Cũng như vậy, dưới địa phương cũng ra không ít văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương. Và đến khâu thi hành thì có trường hợp người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai hoặc thậm chí lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Nguyên nhân, theo Ủy ban Xã hội, là Chính phủ chưa ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh COVID-19 làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Về kết quả, Ủy ban Xã hội đồng tình với nhận định của Chính phủ là đến lúc này đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Cụ thể, một số địa phương chưa tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế; công tác xét nghiệm sàng lọc của một số tỉnh chưa kịp thời, hiệu quả. “Một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm COVID-19, thu phí xét nghiệm cao, vẫn yêu cầu bắt buộc xét nghiệm khi đi khám chữa bệnh, gây bức xúc cho người dân” - Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh đọc báo cáo.
Về kinh phí, Ủy ban Xã hội cho biết nguồn lực cần có cho phòng, chống đại dịch là rất lớn, nhưng phần huy động từ xã hội có xu hướng giảm dần, do đó ngân sách nhà nước vẫn sẽ vẫn là nguồn chính.
“Các doanh nghiệp cho rằng, chính sách hỗ trợ hiện hành là quan trọng song quan trọng hơn là cần nới lỏng dần các biện pháp giãn cách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại thì mới có khả năng tồn tại và phục hồi” - bà Nguyễn Thúy Anh nêu.
Cần nới lỏng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại
Về sản xuất kinh doanh và lao động - việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...
Tuy nhiên, doanh nghiệp rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh với số lượng lớn và xu hướng gia tăng; số người mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc chiếm tỉ lệ lớn...
"Các doanh nghiệp cho rằng, các chính sách hỗ trợ hiện hành là quan trọng song quan trọng hơn là cần nới lỏng dần các biện pháp giãn cách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại thì mới có khả năng tồn tại và phục hồi" - bà Thúy Anh nói.
Về an sinh xã hội, Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, bà Thúy Anh lưu ý, tác động của đại dịch về sức khỏe, thể chất và tinh thần, tâm lý xã hội là rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ; việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động còn một số khó khăn. Có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách ở đô thị lớn.
Từ đó, Ủy ban Xã hội đưa ra hàng loạt kiến nghị, trong đó có đề nghị Chính phủ, Thủ tướng khẩn trương ban hành chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh và Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược này.
Đồng thời, nghiên cứu, tăng cường dự báo xu hướng COVID-19; chỉ đạo bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19

Nguồn: VTV

Hiểu Lam