Báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 vào sáng 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày nhiều nội dung quan trọng.
Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ
Về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng cho biết, những tháng vừa qua công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân, công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.
Nhất là sau khi nâng cấp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và kịp thời điều động một lực lượng lớn chưa từng có, trong một thời gian rất ngắn với khoảng hơn 300 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ các lực lượng y tế, quân đội, công an từ Trung ương và các địa phương khác hỗ trợ cho các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.
Đồng thời, việc đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, thành lập Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19, tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay với tinh thần “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính. |
“Chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể vì nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, hầu hết các vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vắc xin trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu trong điều kiện nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu” - Thủ tướng nói và dẫn lại đánh giá của Trung ương, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, điều nổi bật là, trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người.
Hàng chục nghìn y, bác sĩ, nhân viên y tế, những “chiến sĩ áo trắng”, phải xa gia đình trong thời gian dài, chấp nhận hy sinh, kiên cường bám trụ, bất chấp hiểm nguy, “chiến đấu” quên mình vì sức khỏe, tính mạng của người dân.
Hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, Tổ COVID cộng đồng bám sát địa bàn, tận tâm, tận lực, không ngại gian khổ, khó khăn ngày đêm, hỗ trợ các địa phương và người dân. Nhiều người sau khi nhiễm và khỏi bệnh tự nguyện tham gia phòng, chống dịch.
Hệ thống chính trị các cấp, nhất là lực lượng chức năng tại cơ sở đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” phục vụ phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho người dân...
“Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, hỗ trợ, đóng góp hiệu quả, những nghĩa cử cao đẹp, tận tâm, tận lực hết mình của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ quý báu của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống dịch; đồng thời chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những tổn thất, mất mát về người, vật chất và tinh thần mà nhân dân ta phải gánh chịu do đại dịch COVID-19 gây ra” - Thủ tướng bày tỏ.
Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh
Thủ tướng cũng điểm lại một số tồn tại hạn chế như, công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; vẫn còn thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở. Việc thực hiện các quy định đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho nhân dân.
Ngoài ra, tiếp cận nguồn vắc xin so với một số nước còn chậm, gặp nhiều khó khăn do khan hiếm trên toàn cầu; việc mua vắc xin chịu nhiều rủi ro, phải chấp nhận các điều kiện áp đặt của nhà cung cấp.
Đặc biệt, năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số ca tử vong cao trong giai đoạn đầu. Việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là khu cách ly, phong tỏa còn khó khăn do số lượng người cần được hỗ trợ rất lớn
|
Khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng 20/10. |
Thủ tướng cũng cho biết dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%. Tuy nhiên, quý 3 giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư nên tính chung 9 tháng GDP chỉ tăng 1,42%...
“Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh; số lượng người lao động tạm ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng. Đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội kéo dài” - Thủ tướng báo cáo.
Ngoài ra, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức khá cao, mặc dù thấp hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo người đứng đầu Chính phủ, những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan cơ bản là do dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp. Còn nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất.
Việc thực hiện các biện pháp, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về phòng, chống dịch, lưu thông hàng hóa, tổ chức sản xuất an toàn có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa nghiêm, áp dụng thiếu nhất quán, chưa linh hoạt.
Trong 5 bài học kinh nghiệm được rút ra , Thủ tướng nhấn mạnh: "Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và cũng không hoang mang, mất bình tĩnh, nóng vội trong phòng, chống dịch".
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2021, Thủ tướng lưu ý việc tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế.
Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Cùng với đó là các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn...
Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm tới gồm 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách so với GDP khoảng 4%.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Triển khai hiệu quả chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.
"Các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với định hướng của Trung ương" - Thủ tướng yêu cầu.
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp
Hữu Tuấn