Hà Nội đã áp sát mốc 9.000 ca mắc mới trong một ngày. Người người, nhà nhà đang xếp hàng đi tìm mua kit test COVID-19 khiến mặt hàng này đang khan hiếm và bị loạn giá.
Xếp hàng "đặt gạch" mua kit test COVID-19
Những ngày vừa qua, tình hình dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh thành có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở Hà Nội số ca mắc liên tục lập đỉnh. Cụ thể, tối 24/2, Sở Y tế Hà Nội thông tin trên địa bàn đã phát hiện gần 9.000 ca dương tính SARS-CoV-2. Đây có thể chỉ là một phần của con số thực tế bởi có rất nhiều trường hợp F0 không khai báo với cơ sở y tế địa phương.
|
Người dân đang sử dụng xét nghiệm COVID-19 lãng phí. |
Việc "bùng nổ" F0 khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng tìm mua kit test nhanh cho cả gia đình, một bộ phận khác tự chữa bệnh do được cách ly tại nhà cũng nhờ mua hoặc đặt hàng online trên mạng. Tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc Hapulico (Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội), số lượng người đến đây nhập các loại thuốc và kit test COVID-19 tăng cao nhưng không phải ai cũng mua được.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết đã tìm mua bộ kit test COVID-19 nhiều cửa hàng mà không được. Anh phải đến Hapulico để tim mua nhưng được thông báo không báo cho khách lẻ, chỉ bán cho cửa hàng mua buôn.
Cùng hoàn cảnh tương tự, chị Xuân Yến (Đống Đa, Hà Nội) cho biết đã phải nhờ người đặt mua kit test COVID-19 tại cửa hàng thuốc trên phố Láng Hạ mà vẫn chưa có hàng để giao.
Một nhân viên chợ thuốc Hapulico cho biết, chỉ những người đeo thẻ, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hiệu thuốc mới được vào mua thuốc trong chợ thuốc này. Ngoài ra, người mua cũng phải mua thuốc với số lượng lớn (bán buôn) chứ không được mua lẻ.
Lãng phí xét nghiệm COVID-19
Liên quan đến tình trạng sử dụng kit test COVID-19 tràn lan hiện nay, BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Saint Paul) cho biết, người dân đang sử dụng test nhanh rất lãng phí. Có những bệnh nhân theo dõi tại nhà, ngày test đến 3 lần: sáng- trưa- chiều tối, hôm nào cũng test để xem vạch T nhạt hơn chưa và khi nào thì âm tính. Một người dương tính thì cả nhà đều test liên tục. “Có triệu chứng test, không triệu chứng cũng test, thậm chí có gia đình chẳng ai nhiễm nhưng test thường xuyên vì sợ hãi COVID-19”, BS Phúc nói.
Theo BS Phúc, những quốc gia giàu có về tiền bạc với nền y tế cực kì phát triển, nhưng khi đối mặt với biến thể Omicron, đang rơi vào khủng hoảng khan hiếm trầm trọng test nhanh. Từ Mỹ, đến châu Âu, rồi châu Á như Nhật Bản hay Australia, mặc dù đã lường trước tình huống và có sự chuẩn bị trước, nhưng đều bị thiếu kit test. Thậm chí, Mỹ kêu gọi người dân không xét nghiệm nếu không có triệu chứng!
Theo BS Phúc, chúng ta chỉ test những ca có triệu chứng, hoặc test nhằm mục đích chẩn đoán trong bệnh viện như phân biệt giữa viêm phổi do COVID-19 hay do vi khuẩn, test ở những người có nguy cơ mắc COVID-19 sẽ chuyển nặng.
Với biến thể Omicron, nếu chúng ta cứ tiếp tục test tràn lan như hiện nay, không những rơi vào tình trạng khủng hoảng khan hiếm kit test, mà còn khủng hoảng trầm trọng tới nguồn nhân lực lao động. Bệnh viện sẽ không đủ người làm việc vì dương tính.
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, người dân không nên quá lo lắng, ngày nào cũng mua kit để xét nghiệm sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí. Phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, tiếp xúc xét nghiệm ngay không có giá trị, ít nhất phải 1-2 ngày sau. Khi xét nghiệm test nhanh dương tính cũng không nhất thiết phải làm PCR, vạch mờ hay đậm không nói lên được bệnh nặng, nhẹ, nhiều hay ít virus. “Quá lạm dụng việc xét nghiệm sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm, không đảm bảo cho cuộc chiến lâu dài được'', BS Cường nói thêm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng vừa ký ban hành văn bản hỏa tốc về việc tăng cường kiểm tra, xử lý hiện tượng tăng giá vật tư, trang thiết bị y tế; thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 trên địa bàn TP. Nguyên nhân do Hà Nội đang xảy ra tình trạng "loạn" giá bộ test nhanh COVID-19.
Hoàng Nam