Liên quan đến vụ thổi giá kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, đến nay cơ quan điều tra Bộ Công An đã khởi tố hơn 10 bị can nguyên lãnh đạo Công ty Việt Á và lãnh đạo một số Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) một số địa phương và cán bộ Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ". Những kẻ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội đã bị khởi tố và chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh. Song đằng sau những bị can đó còn những ai tiếp tay cho Việt Á lũng đoạn như vậy? Trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế như thế nào? Đây là những vấn đề cần phải được làm rõ và xử lý nghiêm minh.
Vụ việc tham nhũng điển hình về đưa và nhận hối lộ
Trong bối cảnh cả nước đương đầu với những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, hàng triệu người nhiễm bệnh, rất nhiều người đã tử vong, kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thì những hành vi trục lợi từ việc thổi giá các sinh phẩm, thiết bị y tế phòng chống dịch của một nhóm người dám ngang nhiên coi thường và mặc cả trên sinh mệnh của hàng chục triệu đồng bào đánh đổi lấy lợi ích cho bản thân là một tội ác, gây hậu quả khó lường. Và đây là một vụ tham nhũng chính sách điển hình, những bị can ở Công ty Việt Á, CDC Hải Dương, Nghệ An, đến một số cán bộ cấp vụ ở Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế đã bị khởi tố mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm của nhóm lợi ích.
|
Ông Phí Ngọc Tuyển - Phó Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng- Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam.
|
Ông Phí Ngọc Tuyển - Phó Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ nêu quan điểm: "Một bên cơ quan nhà nước dùng ngân sách nhà nước mua sản phẩm với doanh nghiệp và doanh nghiệp ấy đã trả lại cho cá nhân, người lãnh đạo đơn vị có thẩm quyền được giao nhiệm vụ đấy với một tỷ lệ rất cao. Đây là vụ việc tham nhũng rất điển hình về đưa và nhận hối lộ".
Nêu lại diễn biến chính của vụ việc, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu- chuyên gia Tội phạm học nhận định, hành vi của Công ty Việt Á với Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các tỉnh, thành khác trong cả nước là hình thức móc nối với người có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc chỉ định đầu tư, đấu thầu, đưa và nhận hối lộ…Nếu chỉ với những cá nhân hay doanh nghiệp đơn lẻ không thể tự mình "thổi giá" như vậy, nếu không có sự giúp sức của các cơ quan quản lý mà trước hết là Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế và có thể là một số cơ quản quản lý khác nữa.
Đánh giá ở khía cạnh pháp lý, chuyên gia Đào Trung Hiếu nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến rất nhiều đối tượng. Theo ông Hiếu, dư luận hiện đang có 3 câu hỏi rất lớn đặt ra xung quanh vụ việc này. Thứ nhất, đó là chất lượng Kit test của Việt Á, có đảm bảo chất lượng không. Thứ 2, có phải hàng nhập lậu không. Nếu nhập lậu về nó đi vào đường nào, mà tại sao nó qua các chốt chặn của chúng ta. Cuối cùng, nếu hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi có phải là nguyên nhân gây ra bùng phát trở lại đợt dịch covid - 19 lần thứ 4 tại Việt Nam hay không?. Tại sao lại tiêu thụ được ở 63 tỉnh thành trong toàn quốc? Có một khoản lời không hề nhỏ ở đây. Chắc không phải có những nhân vật khác trong câu chuyện này….
Người bị khởi tố mới chỉ là kẻ thực hành, giúp sức
Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ- nguyên Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương cho rằng, cũng như các vụ việc khác của ngành y tế đã xảy ra trong thời gian qua, dường như có liên quan, đó là sự tham gia không phải là một cá nhân, một vài công ty mà là một kịch bản đã được chuẩn bị sắp đặt trước một cách bài bản nhằm lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Vụ án Việt Á cũng vậy. Đây là một vụ án phạm tội có tổ chức, các đối tượng đã bị khởi tố trong vụ án này mới chỉ là những kẻ thực hành, giúp sức, còn kẻ chủ mưu vẫn đang lẩn khuất…Những thông tin ban đầu về vụ việc này cũng chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm của tình trạng tham nhũng từ chính sách.
|
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ- nguyên Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương.
|
Theo ông Mai Bộ, trước đó CDC Hà Nội đã có người vào tù, nhưng CDC các tỉnh vẫn không coi đó là bài học mà câu kết với nhau. Bởi, theo ông, một doanh nghiệp nhỏ thì khó làm được điều đó.
Còn TS Nguyễn Việt Hùng- nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch Đầu tư thẳng thắn chỉ rõ: Với một vụ phạm tội nghiêm trọng như vậy không thể không làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ. Bởi, các nhà thầu, xu hướng chung là họ muốn dành lợi nhuận cao nhất, nhưng nếu họ chỉ có độc diễn mà không có sự ủng hộ của bên quản lý Nhà nước thì họ không làm được.
"Việc thổi giá, Việt Á không thể tự mình làm được mà chắc chắn bên cạnh họ phải có người giúp đỡ thì họ mới có thể làm được"- TS Nguyễn Việt Hùng nói.
TS Nguyễn Việt Hùng cũng cho rằng, thường khi một sự việc xảy ra thì các cơ quan Nhà nước hay đổ trách nhiệm cho nhau. Và trong câu chuyện này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ Y tế. Còn vấn đề thẻ test Covid-19 có dùng được không thì trách nhiệm thuộc về Bộ Khoa học và Công nghệ. Ông Hùng cho rằng, nếu Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra những thông tin không chính xác, với tư cách là nhà khoa học, trọng danh dự cũng nên sẵn sàng chịu trách nhiệm trước toàn dân mà không đổ lỗi cho người khác.
Vì những thông tin không chính xác hoặc thổi phồng sự thật liên quan đến test kit của Việt Á là biểu hiện của thói thực dụng, cơ hội, chỉ lo thu vén cá nhân… Đó là sự vô đạo đức, vô trách nhiệm với sức khỏe tính mạng của hàng chục triệu người dân. Lợi dụng lúc dịch bệnh nguy cấp để vơ vét tiền bạc bằng cách thổi giá, nâng khống giá trị các kit test khiến cho kinh tế của mỗi gia đình, doanh nghiệp, đơn vị đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Quy định pháp luật đã nói rõ trong hoàn cảnh cấp bách, có thể rút bớt quy trình và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm trước thông tin giả cao bất thường để trục lợi nhiều tỷ đồng và những ai đã cấp phép cho các sản phẩm của Việt Á là những câu hỏi mà dư luận đang rất mong chờ cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ.
Theo VOV