Kỳ 1: Băng cướp “ngũ hổ rặng ổi”
Mặc dù băng cướp ở đất Thủy Nguyên đã bị tiêu diệt cách nay 30 năm, nhưng khi nhắc lại, những người lớn tuổi ở đất Thủy Nguyên vẫn không khỏi rùng mình sợ hãi.
Cuộc chiến tranh vệ quốc đã chấm dứt, nhưng người dân vùng đất ven biển vẫn không một ngày được yên, khi những băng cướp hoành hành khắp nơi. Trong số những băng cướp làm mưa làm gió đất cảng, nổi bật là “ngũ hổ rặng ổi”, gồm 5 anh em Phạm Văn Động.
Chuyện cảnh sát, dân quân phải dùng đến B40 để tiêu diệt toán cướp này, đủ biết chúng khét tiếng, tàn bạo, ranh mãnh và nguy hiểm đến mức nào.
Để dựng lại chân dung nhóm tội phạm “ngũ hổ rặng ổi”, được mệnh danh là “phỉ sông nước”, chúng tôi đã về lại Hải Phòng, tìm gặp những nhân chứng sống, cán bộ địa bàn, những trinh sát từng bất chấp tính mạng săn lùng chúng.
Cổng làng Kinh Triều (xã Thủy Triều, Thủy Nguyên) to tướng, nhưng vắng người qua lại. Người dân trong làng chỉ tôi đến ngôi nhà, từng là nơi sinh ra của những tên cướp.
|
Làng Kinh Triều, nơi sinh ra nhóm cướp "ngũ hổ rặng ổi". |
Tuy nhiên, ngôi nhà ấy đã bán cho người khác từ lâu, con cháu nhóm cướp này cũng đã tản mát đi nơi khác. Kẻ tham gia toán cướp thì đã về âm phủ, những người thân chẳng còn mặt mũi, nên cũng rời quê, tìm kế sinh nhai nơi khác. Giờ ở làng chẳng còn con cháu nào của những tên cướp khét tiếng sinh sống nữa.
Đi hết con ngõ nhỏ, xuyên qua những rặng tre, vườn ổi, chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Văn Nhật (SN 1941), nguyên là Chủ tịch UBND xã Thủy Triều.
Ông Nhật làm lãnh đạo xã đúng vào thời kỳ băng cướp “ngũ hổ rặng ổi”, nổi lên như cồn và ông cũng tham gia công tác tiêu diệt chúng, nên ông nắm về toán cướp này rất rõ.
Kẻ cầm đầu toán cướp rạch giời rơi xuống ấy là Phạm Văn Động, con thứ 7 trong gia đình có tới 11 người con. Cha Phạm Văn Động quê ở Yên Hưng (Quảng Ninh), bên kia sông Bạch Đằng. Mẹ là người thôn Kinh Triều.
Khi đó, Kinh Triều vườn ruộng mênh mông, bãi sông cá mú, cuộc sống mưu sinh dễ dàng hơn, nên cha Động ở rể. Cặp vợ chồng nông dân này tính tình thuần phác, chỉ biết làm lụng, nuôi con, nhưng có dựng mồ sống dậy, cũng chẳng thể tin rằng, mấy đứa con của mình lại ngỗ ngược đến vậy.
Sinh ra và lớn lên vào thời chiến, lớn lên, Phạm Văn Động cũng tiếp nối truyền thống cha ông, xóm làng vào Nam đánh giặc. Chàng trai mới lớn ấy vác súng vào Nam với ước vọng trả thù cho người anh cả, đã ngã xuống vì giặc.
Ông Đỗ Văn Nhật buồn rầu bảo: “Anh cả của Phạm Văn Động là một liệt sĩ chống Mỹ. Gia đình ấy cũng là gia đình có công với cách mạng, nhưng tội ác của mấy anh em Phạm Văn Động đã che mờ tất cả”.
Theo ông Nhật, sinh ra ở vùng sông nước, mới chập chững biết đi đã bơi lội bì bõm trên sông Bạch Đằng, rất thành thạo lặn ngụp, nên Phạm Văn Động được tào tạo thành lính đặc công.
Lẽ ra, lính đặc công Phạm Văn Động sẽ có nhiều đóng góp cho Tổ quốc, nếu như bản tính du côn của y không trỗi dậy. Mặc dù được đào tạo bài bản, nhưng gã không đem tài năng của mình phục vụ việc đánh giặc, mà toàn sử dụng để gây lộn với đồng đội, rồi trộm cắp. Chính vì thế, dù đã kinh qua mấy chiến trường, nhưng đã bị quân đội thải hồi.
Giỏi võ, lại sẵn tính côn đồ, nên về làng, Phạm Văn Động trở thành một thanh niên bất trị. Gã giao du với nhóm côn đồ trong vùng, kết bè, kết đảng, rồi tham gia cướp bóc.
Nhóm cướp của chúng gồm 4 anh em Phạm Văn Động, Phạm Văn Đông, Phạm Văn Hoạt, Phạm Văn Bi, cùng một tên nữa là Phạm Văn Tú, anh em họ trong nhà. Tổng cộng là 5 tên, đều thuộc hàng đầu trộm đuôi cướp.
Phạm Văn Hoạt là anh trai của Động, con thứ 6 trong gia đình. Mặc dù Phạm Văn Hoạt là nhân vật ít được nhắc đến trong băng cướp này, nhưng thực ra, Hoạt là một tên cướp có thành tích bất hảo hơn cả Động.
Người dân ở làng Kinh Triều cũng ít biết đến hắn, ngoài việc thấy hắn là kẻ ăn trắng mặc trơn, lười lao động.
Ngày Phạm Văn Động vào quân ngũ, thì Hoạt làm mưa làm gió khắp vùng Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng.
Hoạt có dáng người mảnh khảnh, thường mặc bộ đồ rộng thùng thình, trông phất phơ trước gió, khuôn mặt cũng thư sinh, thế nhưng, khi cầm kiếm, thì ra tay lạnh lùng, tàn khốc.
Theo một cán bộ công an trong Đội hình sự H88, thì thập niên 70 thế kỷ trước, nhắc đến Tiến Khứa, giới giang hồ Hải Phòng đều phải sợ hãi. Người dân Hải Phòng cũng không biết gì về lai lịch tên này, chỉ biết rằng hắn là kẻ thường giết trước cướp sau.
Mãi sau này, khi thanh toán xong băng cướp Phạm Văn Động, người dân vùng Thủy Nguyên mới biết Tiến Khứa chính là Phạm Văn Hoạt. Vì sao hắn lấy biệt danh lạ đó, thì chưa có lời giải.
Phạm Văn Bi là người anh thứ hai, kế sau người anh liệt sĩ. Tên này cũng là kẻ cướp bóc vang trời đất cảng.
Khi Phạm Văn Động bị thải hồi, Động chưa gia nhập toán cướp của mấy người anh. Thế nhưng, sau khi xộ khám, rồi trốn trại, Động mới nhập bọn cùng đàn anh của mình, để trốn tránh sự truy lùng của công an, bảo vệ lẫn nhau.
5 tên đầu trộm đuôi cướp hàng đầu đất cảng tụ họp với nhau, tha hồ vẫy vùng, coi càn khôn chẳng ra gì. Số má thì vang danh đất cảng, nhưng hỗn danh thì chưa có.
Ở đầu làng Thủy Triều có rặng ổi hoang, là nơi gắn với tuổi thơ của chúng, nơi chúng leo trèo lúc còn nhỏ, nên chúng bàn bạc rồi quyết định đặt tên cho băng cướp của mình cái biệt danh khá lạ, nửa Hán, nửa Việt, đó là “ngũ hổ rặng ổi”.
Theo các cán bộ xã thời bấy giờ, thì khi đó khắp vùng Thủy Nguyên nổi lên phong trào vượt biên trái phép sang Hồng Kông và các nước châu Âu. Anh em Phạm Văn Động lúc đầu cũng mang khát vọng đó. Để vượt biên được, thì phải có tiền. Chính vì thế, chúng lập băng nhóm để đi cướp.
Thế nhưng, việc cướp bóc ở trong nước kiếm tiền dễ dàng hơn, chúng lại như chúa tể cả một vùng, tự coi mình như hảo hán Lương Sơn Bạc, nên chúng cũng quên luôn việc vượt biên.
Thời kỳ đó, đất nước mới hòa bình, chính quyền còn non trẻ, nên toán cướp “ngũ hổ rặng ổi” thực sự là bọn giặc cỏ gây bất an lớn cho xã hội.
Mời quý độc giả xem video Tiểu sử giang hồ Thành Chân (nguồn Youtube):
Theo VTC News